Thăm Tổng hành dinh EU thời khủng bố

Theo tienphong.vn 09/02/2016 11:44

Tôi đến thủ đô Brussels của nước Bỉ đúng một ngày sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris. Châu Âu rúng động, cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ.

Thăm Tổng hành dinh EU thời khủng bố

Một buổi họp báo vào lúc 12 giờ trưa tại Ủy ban châu Âu. Ảnh: Việt Hùng.

Sáng chủ nhật 15/11, thủ phủ của Liên minh châu Âu EU, nơi cách Paris có 300km, vẫn vắng vẻ và thanh bình như thường lệ. Tòa nhà Berlaymont, trụ sở của Ủy ban châu Âu, hàng cột cờ vẫn sừng sững tung bay trước gió… Dường như bầu không khí khủng bố không hề hiện diện nơi đây.

Thế nhưng, khi phải trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh nghiêm ngặt chẳng khác gì như lên máy bay tại cửa ra vào tất cả các cơ quan EU, khi nhìn thấy lực lượng cảnh sát vũ trang, quần áo rằn ri, mũ nồi, súng tiểu liên lăm lăm trên tay hiện diện khắp nơi từ công sở cho tới các nhà ga, quảng trường…, tôi mới nhận ra sức nóng của vụ khủng bố đẫm máu Paris đã thực sự lan tới Brussels này. Cũng dễ hiểu thôi bởi “xóm liều” Molenbeek, nơi sinh sống của ba anh em ruột đóng vai trò quan trọng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris, cách tổng hành dinh EU này chưa đầy vài chục phút đi tàu điện.

Ðoàn nhà báo đến từ các nước ASEAN chúng tôi, mặc dù là khách mời của EU, vẫn bắt buộc phải xuất trình hộ chiếu mỗi lần vào làm việc tại đây. Ngót một tuần tại Brussels, trong chuyến công tác tìm hiểu về hoạt động của EU và quan hệ EU - ASEAN, ngày nào cũng vậy chúng tôi đều phải làm các thủ tục an ninh lặp đi lặp lại: Xuất trình hộ chiếu, nhận thẻ ra vào, cởi bỏ áo khoác, túi xách để kiểm tra qua máy soi. Riêng tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương NATO, nằm tách biệt tại ngoại ô Brussels, khâu kiểm tra an ninh ngặt nghèo hơn gấp bội. Chai nước suối uống dở tôi mang theo bị nhân viên an ninh yêu cầu mở nắp và uống thử một ngụm, còn chiếc máy ảnh thì phải giơ lên trần bấm tanh tách vài kiểu.

Quận “Europe” ở Brussels

Bức tường ở lối vào bên tay phải tòa nhà Ủy ban châu Âu có in cờ và biểu trưng của EU là địa điểm “ưa thích” của phóng viên các hãng truyền hình mỗi khi ghi hình, phát tin về EU. Ngay gần lối đi nơi đây có đặt một tảng đá nhỏ khắc tên ông ngoại trưởng Pháp Robert Shuman - người có sáng kiến đề xuất thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu gồm 6 nước vào ngày 9/5/1950. Ðến nay, sau hơn 60 năm từ một Cộng đồng Than Thép đã phát triển thành một Liên minh châu Âu rộng lớn, gồm 28 quốc gia với hơn 500 triệu công dân.

Trong đời làm báo của mình, dù đã đi khá nhiều nơi trên thế giới, tôi chưa thấy nơi nào dành nhiều không gian cho báo chí đến vậy!

Trên bản đồ du lịch Brussels có hẳn một khu vực được gọi là Europe, đó là nơi tập trung hầu hết các định chế của EU : Tòa nhà Berlaymont - trụ sở của Ủy ban châu Âu (European Commission); ngay phía sau cách đó chừng dăm phút đi bộ là Tòa nhà EEAS (European External Action Service) - trụ sở của Cơ quan đối ngoại EU; cách đó không xa là tòa nhà Consilium hay còn gọi là Hội đồng châu Âu, nơi làm việc của Hội đồng Nguyên thủ châu Âu (European Council) và Hội đồng Bộ trưởng châu Âu (Council of the EU). Nghị viện châu Âu (European Parliament), địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách mỗi khi tới Bỉ, cũng chỉ cách Ủy ban châu Âu khoảng mười lăm phút đi bộ.

Thăm Tổng hành dinh EU thời khủng bố - 1

Tảng đá nhỏ khắc tên Ngoại trưởng Pháp Robert Shuman (1886-1963)
được đặt khiêm nhường phía bên phải trụ sở Ủy ban châu Âu Brussels. Ảnh: Thanh Tùng.

Ngoài ra, EU còn có cả tòa án và ngân hàng nữa. Ngân hàng T.Ư châu Âu ECB đặt tại Frankfurt (Ðức), còn ngân hàng Ðầu tư châu Âu EIB lại đặt trụ sở tại Luých-xăm-bua. Về tòa án có Tòa công lý và Tòa kiểm toán, đều đặt trụ sở tại Luých-xăm-bua. Tòa công lý, mỗi nước thành viên có một thẩm phán, nhằm đảm bảo luật của EU phải được tuân thủ, các Hiệp ước phải được diễn giải và áp dụng đúng đắn. Tòa kiểm toán có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các nguồn thu - chi của Liên minh châu Âu. Năm 2014, ngân sách EU khoảng trên 142 tỷ euro, tương đương 1,06% GDP của 28 nước thành viên gộp lại.

Như vậy, EU có đầy đủ các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp, thậm chí có cả ngân hàng và đồng tiền chung, có quốc kỳ và quốc ca riêng nữa (trích đoạn Ode to Joy trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven). Nhưng nó hoàn toàn không phải là một nhà nước liên bang hay một liên bang các quốc gia. Có tới đây, đoàn nhà báo ASEAN mới thực sự hiểu và cảm nhận được rằng, đây thực sự là một Liên minh giữa các quốc gia có tính tổ chức, tính pháp lý cao nhất thế giới! Trong các buổi thảo luận về quan hệ EU-ASEAN, chúng tôi cũng đề cập tới việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, và chắc chắn các nước ASEAN sẽ có nhiều điều cần học hỏi từ một thị trường chung châu Âu - từng được coi là một thành tựu vĩ đại của EU. Riêng nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi về Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - EU với chuyên viên phụ trách quan hệ với Việt Nam tại EEAS. Quá trình đàm phán và ký kết FTA đã xong, để Hiệp định này chính thức có hiệu lực còn phải chờ sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam. Trao đổi với các nghị sĩ châu Âu, chúng tôi được biết quá trình phê chuẩn này sẽ tốn không ít thời gian, thông thường cũng phải từ 18-24 tháng. Riêng việc biên dịch nội dung Hiệp định ra tất cả các thứ tiếng của 28 quốc gia thành viên (quy định bắt buộc) cũng đã chiếm khoảng thời gian không hề nhỏ.

Họp báo vào… giữa trưa và nửa đêm

Cô Alexandra Ekkelenkamp, cán bộ truyền thông tại Hội đồng châu Âu đã nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về chức năng và hoạt động của cơ quan này trong mối tương quan với các định chế khác của EU. Ðây là một trong những nơi hoạt động sôi động nhất của EU, bởi nhiệm vụ chính của nó là thông qua các luật của EU, ký kết các các Hiệp định do Ủy ban châu Âu đàm phán… Chính vì vậy đây là nơi có nhiều phòng họp báo nhất trong các cơ quan của EU : 1 hội trường họp báo chung và 28 phòng họp báo riêng của mỗi quốc gia thành viên. Hầu hết các đồng nghiệp báo chí ASEAN của tôi đều choáng ngợp bởi mức độ rộng rãi và tiện nghi của Trung tâm báo chí nơi đây, ngoài hệ thống phòng họp báo còn có cả phòng làm việc, căng-tin, studio hiện đại dành cho các phóng viên. Qua bên Nghị viện châu Âu rồi Ủy ban châu Âu, nơi nào chúng tôi cũng thấy có chỗ dành cho mình - những nhà báo ! Mà toàn là những phòng họp báo rộng lớn với trang thiết bị hoàn hảo. Trong đời làm báo của mình, dù đã đi khá nhiều nơi trên thế giới, tôi chưa thấy nơi nào dành nhiều không gian cho báo chí đến vậy!

Thăm Tổng hành dinh EU thời khủng bố - 2

Binh lính đứng gác trước trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels. Ảnh: Thanh Tùng.

Tại Ủy ban châu Âu, đúng 12h trưa, chúng tôi được tham dự một hoạt động thường lệ nơi đây - họp báo giữa ngày (Midday Press Briefing). Nữ nhà báo Hương Giang, trưởng phân xã TTXVN tại Brussels kể, có nhiều lần cô phải để con nhỏ cho ông xã trông rồi lao đến trụ sở EU vào lúc nửa đêm để tác nghiệp bởi nhiều cuộc họp quan trọng và đột xuất thường diễn ra vào ban đêm, có khi các nhà lãnh đạo họp suốt đêm để ra các quyết định khẩn, cánh báo chí tha hồ mà chầu chực săn tin. Thế mới biết, làm chức phận phóng viên theo dõi cái tổng hành dinh EU này đâu có sướng, mà ngược lại rất cực! Ở ta làm gì thì làm chứ giữa trưa với nửa đêm chắc không có họp báo!

Với vai trò thủ phủ của EU, Brussels được coi là một trong những trung tâm chính trị, ngoại giao, báo chí và cả lobby (vận động hành lang) lớn nhất thế giới. Ước tính có khoảng 2.500 nhà ngoại giao chuyên nghiệp đang làm việc tại đây. Ông Tổng thư ký Hiệp hội báo chí quốc tế (API) Hans De Bruijn cho chúng tôi biết, tại đây có hẳn một nghề chuyên vận động hành lang nhằm thúc đẩy hay trì hoãn một quyết định, chính sách nào đó, và đội ngũ hành nghề lobby tại đây không hề nhỏ. API là một tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhuận nhằm trợ giúp các phóng viên quốc tế tại Brussels trong các hoạt động tác nghiệp về EU, NATO và các tổ chức quốc tế khác. Phóng viên thường trú từ hai năm trở lên tại Brussels sẽ nhận được thẻ nhà báo chính thức do API cấp, thẻ này được miễn phí đi tàu SNCB trên phạm vi toàn nước Bỉ, ngoài ra còn được đỗ xe miễn phí ở sân bay, giảm 50% giá vé hạng nhất của hãng Brussels Airlines… Kể ra điều này để thấy rằng, hành nghề báo ở châu Âu rất được coi trọng. Ở Ðức, trên sân vận động nổi tiếng Signal Iduna Park của đội Borussia Dortmund, vị trí ngồi đẹp nhất chính giữa khán đài A, có cả bàn ghế đoàng hoàng, đồ uống miễn phí… là nơi dành riêng cho cánh phóng viên, chứ không phải quan chức. Chỉ với tấm thẻ nhà báo từ Việt Nam là có quyền vào các hội chợ, các viện bảo tàng ở Ðức miễn phí. Tại Brussels, với chiếc thẻ nhà báo Việt Nam của mình, tôi cũng hoàn toàn có quyền làm thủ tục đăng ký dự các cuộc họp báo của Nghị viện, Hội đồng hay Ủy ban châu Âu. Tôi hiểu ra rằng, báo chí chính là thành phần quan trọng không thể thiếu trong mọi hoạt động của EU.

***

Tôi rời thủ đô nước Bỉ, cũng là thủ đô của châu Âu, nơi có tổng hành dinh EU vào sáng sớm thứ Bảy ngày 21/11/2015. 5h sáng, Brussels mưa và lạnh buốt, tôi kéo vội chiếc vali ra bến tàu điện ngầm Trone ngay gần khách sạn Aparthotel Adagio nơi tôi ở để ra sân bay, một cảnh tượng tôi chưa từng thấy ở châu Âu bao giờ : Cả hai cửa ra vào nhà ga đều đóng kín ! Mọi hoạt động đã dừng lại ! Gọi gấp một chiếc taxi thay thế, hỏi ra mới biết, Brussels vừa nâng cấp báo động chống khủng bố lên cấp cao nhất, cấp 4 ! Tất cả các nhà ga, trường học, siêu thị tại đây đều đã đồng loạt đóng cửa. Ngay gần sân bay Charleroi, tôi chứng kiến cảnh cảnh sát tay lăm lăm súng đang bao vây một chiếc xe con, không khí khá ngột ngạt…

Thăm Tổng hành dinh EU thời khủng bố - 3

Cảnh thanh bình trên đường phố Brussels. Ảnh: Việt Hùng.

Ấy vậy mà một tuần sau tôi quay lại Brussels, mọi chuyện đã lại bình yên hệt như hôm tôi đến, như chưa từng có báo động khủng bố mức cao nhất ở nơi đây. Người dân Brussels vẫn tốt bụng và cởi mở, vẫn thư thái ngồi đọc sách trên tàu điện hay xe buýt. Một cô gái trên đường đi làm về vẫn tận tình chỉ đường, còn xách hộ đồ cho một người lạ như tôi, vẫn nở nụ cười tạm biệt tươi tắn rồi nhanh chóng rảo bước, mặc cho người được giúp tròn mắt đứng nhìn vì chưa kịp nói lời cảm ơn.

Thế đó, bóng ma khủng bố đâu có làm người Pháp, người Bỉ và các công dân EU khiếp sợ. Cuộc sống văn minh và tràn ngập tình nhân ái, những giá trị cốt lõi trên toàn cõi EU này vẫn tiếp diễn theo một tiến trình không thể đảo ngược!

Brussels - Hà Nội 12/2015

Ủy ban châu Âu được coi là cơ quan hành pháp của EU và có một vị trí độc lập lớn nhằm đảm bảo lợi ích chung và không được phép nhận chỉ thị từ các chính phủ quốc gia thành viên. Hội đồng nguyên thủ châu Âu bao gồm nguyên thủ các quốc gia thành viên nhóm họp 4 lần mỗi năm. Nghị viện châu Âu là cơ quan dân cử với 751 ghế được bầu trực tiếp từ các công dân EU cho nhiệm kỳ 5 năm. Số nghị sĩ được phân bổ theo dân số, cao nhất là Ðức có 96 ghế, tiếp đến Pháp 74 ghế, Anh và Ý mỗi nước 73 ghế, Tây Ban Nha 54, Ba Lan 51… Nước có số ghế ít nhất là 6 ghế gồm Estonia, Síp, Malta và Luých-xăm-bua.

Theo tienphong.vn