Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi?

Theo vov.vn 12/02/2016 09:15

Bài toán hạt nhân Iran có lời giải, nhưng chặng đường Iran hòa nhập với cộng đồng thế giới vẫn còn lắm chông gai.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân là một phần trong thỏa thuận lịch sử mà Iran và các cường quốc đã đạt được hồi tháng 7/2015.

Đây được coi là “phần thưởng” cho việc Iran đã nghiêm túc thực hiện những gì đã cam kết tại Vienna, Áo; đồng thời cũng là cơ hội lớn cho các nước phương Tây đang chờ đợi cơ hội khai phá thị trường Iran vốn được ví như một “người khổng lồ đang ngủ quên”.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi?

Một nghị sỹ Iran vui mừng hôn Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif
sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. (Ảnh: Reuters)

Iran hưởng lợi đầu tiên

Những lợi ích thu được từ việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ được giới phân tích đánh giá là “vô cùng lớn”, trước hết là đối với Iran. Theo đó, Iran sẽ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới – lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Tehran, đồng thời được phép tiếp cận ngay với khoản tiền 50 tỷ USD trong số 100 tỷ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Mỹ cũng trả Iran 1,7 tỷ USD (cả gốc, lãi) trong vụ mua bán thiết bị quân sự trước đó năm 1981.

Số tiền này đặc biệt có ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran bởi nó có thể giải quyết “nóng” khó khăn mà Tehran gặp phải liên quan đến việc cập nhật công nghệ cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.

Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ của Tehran cũng sẽ có cơ hội phát triển khi được tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thoát khỏi những “xiềng xích” của lệnh trừng phạt, cho phép Iran đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngay sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani mô tả “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ giữa Tehran và thế giới; đồng thời dự báo một thời kỳ thịnh vượng mới của Iran. Ở thời điểm hiện tại, khi giá dầu thế giới đang tuột dốc không phanh khiến nguồn thu sụt giảm, nền kinh tế Iran rất khát vốn.

Theo các quy định mới, Mỹ sẽ không còn cấm vận các cá nhân, tổ chức nước ngoài mua dầu và khí đốt từ Iran. Washington sẽ cho phép các công ty kinh doanh hạn chế với Iran, ví dụ như mua bán thực phẩm, máy bay thương mại, phụ tùng... Chính quyền Tehran sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư vào hạ tầng đang xuống cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Kho dự trữ dầu của Iran có khoảng 38 triệu thùng và đang sẵn sàng tung hàng ra thị trường. Theo Commerzbank, Iran có thể sản xuất thêm 500.000 thùng dầu/ngày sau khi cấm vận được dỡ bỏ.

Một tín hiệu vui mới nhất đối với Iran là vào ngày 31/1/2016, Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) đã khôi phục dịch vụ cho các định chế tài chính của nước này. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2012 các ngân hàng của Iran được kết nối hoàn toàn với hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi? - 1

Người dân Iran sẽ được hưởng lợi khi các lệnh trừng phạt
của phương Tây được dỡ bỏ. (Ảnh: usp)

Thế giới được gì sau khi lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ

Trong khi đó, thị trường gần 80 triệu dân của Iran cũng mang lại cơ hội làm ăn lớn của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Hiện Iran đang cần mua khoảng 400 – 600 máy bay để thay thế đội máy bay thương mại đã cũ. Ngành công nghiệp dầu khí và đường sắt Iran đang cần nâng cấp hạ tầng. Nhu cầu mua ô tô, thực phẩm và các loại hàng hóa khác cũng rất lớn.

Ông Dennis Nally, Chủ tịch toàn cầu công ty kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers, nhận định: “Không có nghi ngờ gì về viễn cảnh ngành năng lượng, các ngành sản xuất liên quan và cơ sở hạ tầng sẽ được lợi lớn. Bên cạnh đó, những ngành khác như bán lẻ cũng hưởng lợi, với tiềm năng tạo ra một tầng lớp trung lưu mới”.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc đã có những động thái tích cực mang tính "dọn đường" cho công cuộc khai thác cơ hội từ thị trường Iran. Ngay sau khi thông tin về việc dỡ bỏ trừng phạt được công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Iran.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyến thăm Tehran của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích chính là thúc đẩy chiến lược "Một vành đai, một con đường", với tham vọng tạo ra một mạng lưới kinh doanh và cơ sở hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc với châu Âu và hướng tới các quốc gia khác bằng việc quá cảnh thông qua Iran. Chiến lược này đang đứng trước cơ hội mới sau khi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, và đương nhiên Trung Quốc không thể bỏ qua thời cơ này.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi? - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani
trong chuyến thăm Iran của ông Tập. (Ảnh AP)

Các doanh nghiệp Đức nằm trong nhóm những người đầu tiên đánh tiếng muốn tăng cường hoạt động làm ăn với Iran. Chính phủ Đức cho biết, có kế hoạch khôi phục bảo lãnh xuất khẩu cho các công ty Đức muốn làm việc này.

Hãng ô tô Đức Daimler cho biết đã gửi thư ngỏ thành lập liên doanh với các đối tác Iran để quay trở lại thị trường “béo bở”, nơi mỗi năm từng tiêu thụ tới 10.000 xe. Trong khi đó, Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai của Đức, cũng cho biết họ đang cân nhắc khả năng trở lại thị trường Iran. Tuyên bố này rất đáng chú ý, bởi chỉ chưa đầy một năm trước, họ đã chấp thuận nộp phạt 1,45 tỷ USD cho giới chức Mỹ do vi phạm các lệnh cấm vận có liên quan đến Iran.

Một loạt các công ty khác tại Thụy Sĩ, Anh hy vọng gia nhập ngành bảo hiểm và hàng không Iran. Trong khi đó, công ty nhôm quốc gia NALCO của Ấn Độ cho biết sẽ sớm điều một nhóm tới Iran để khảo sát địa điểm đặt khu sản xuất liên hợp trị giá 2 tỷ USD, nhằm tận dụng nguồn khí đốt rẻ và sẵn có tại đây.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha thì cho biết, Madrid đang thảo luận với Tehran về việc xây dựng một nhà máy lọc dầu tại khu vực phía nam của Tây Ban Nha.

Đáng chú ý, từ ngày 25 – 28/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm lịch sử tới châu Âu- đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Iran tới châu lục này trong 16 năm qua.

Tại Italy, ngoài các cuộc gặp gỡ cấp cao với người đồng nhiệm Sergio Mattarella, Thủ tướng Matteo Renzi, ông Rouhani và phái đoàn Iran đã tham gia diễn đàn kinh tế với hơn 500 chủ doanh nghiệp Italy. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký các thỏa thuận có tổng trị giá lên tới 18,4 tỷ USD liên quan tới nhiều lĩnh vực từ y tế, vận tải, nông nghiệp đến năng lượng.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi? - 3

Các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran trở thành mảnh đất "màu mỡ"
đối với các doanh nghiệp phương Tây. (Ảnh: fineartamerica)

Còn tại Cộng hòa Pháp, Tổng thống Rouhani và người đồng cấp Pháp Francois Hollande cũng đưa ra nhiều tuyên bố lạc quan về quan hệ song phương. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ euro.

Trong đó, đáng chú ý là thỏa thuận mua 118 máy bay Airbus các loại, trị giá khoảng 25 tỷ USD. Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Pháp Total cũng đạt được hợp đồng mua của Tehran khoảng 150.000 đến 200.000 thùng dầu thô/ngày.

Vẫn còn những rủi ro và thách thức

Không thể phủ nhận việc Mỹ và EU dỡ bỏ cấm vận Iran mở ra một tương lai “sáng lạn” cho cả hai phía, nhưng liệu đây có phải là dấu chấm hết cho 35 năm thù địch giữa phương Tây và Iran? Dù đối với những người lạc quan nhất thì câu trả lời cho câu hỏi này có lẽ vẫn là “không”.

Cánh cửa đã rộng mở, tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc thâm nhập thị trường Iran không có những rủi ro.

Thực tế sau quãng thời gian dài “đằng đẵng” bị cấm vận, các ngân hàng Iran hiện chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật chưa thể đáp ứng được với yều cầu mở cửa, nạn tham nhũng vẫn tồn tại, còn thị trường lao động kém linh hoạt.

Trong bối cảnh như vậy, các công ty nước ngoài sẽ không tránh được tâm lý lo ngại bởi lệnh cấm vận có thể khiến họ "tiền mất tật mang" nếu Tehran sau này bị phát hiện vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử Iran: Các lệnh cấm vận Iran được dỡ bỏ, ai hưởng lợi? - 4

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn chưa thực sự tin tưởng vào Mỹ. (Ảnh: AP)

Chuyên gia phân tích tài chính Adam Smith tại công ty Gibson, Dunn & Crutcher LLP cho biết, “ngay cả khi không có các lệnh cấm vận, Iran vẫn là một mảnh đất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, do các vấn đề như tham nhũng và rửa tiền”.

Khác với những đối tác châu Âu vốn ít chịu sự ràng buộc hơn, các công ty Mỹ sẽ đợi cho tới khi biết được quan điểm đối với vấn đề Iran của đời Tổng thống Mỹ kế tiếp để ra quyết định có “rót” tiền vào Iran hay không.

Hơn tất cả, sự nghi kị và dè chừng lẫn nhau giữa Iran và Mỹ không thể dễ dàng xóa bỏ. Bằng chứng rõ nhất là việc chưa đầy 24 giờ sau khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ, Mỹ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Theo lý giải của chính quyền Tổng thống Obama, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là một mối lo ngại lớn đối với an ninh khu vực toàn cầu và động thái cứng rắn này là nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của Iran.

Quan hệ giữa Iran và phương Tây bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy mối quan hệ này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả từ mâu thuẫn trong nội bộ Iran và Mỹ. Vì thế, các bên cần phải nỗ lực hơn nữa và có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận lịch sử đã đạt được.

Nói về hồ sơ hạt nhân Iran, có thể khẳng định một điều, đó là Tổng thống Iran Rouhani đã góp công lớn, mở “từng lớp cửa bị đóng chặt” để đưa nước cộng hòa Hồi giáo Iran tiến ra thế giới. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ông có thể chèo lái đất nước đi tiếp chặng đường phía trước, vượt qua “những cơn sóng dữ” đang chờ đợi hay không? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi này. Tuy vậy, với những gì đã diễn ra, người dân Iran hoàn toàn có cơ sở để hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

Theo vov.vn