Về Thiên Trường-Nam Định thưởng lãm cổ vật đầu Xuân
Như thường lệ, đầu xuân Bính Thân này, nhằm ngày mồng 7 tháng Giêng, giới sư tầm cổ vật trong và ngoài Thành Nam lại hội tụ tại địa chỉ Bảo tàng tỉnh Nam Định, mang theo những cổ vật giá trị một đời sưu tập mới có để cùng trưng bày, giao lưu, thưởng lãm…
Những năm gần đây, Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định) liên tục “được mùa” khi được đăng cai tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh cổ vật, thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu cả nước và đông đảo công chúng.
Việc “được mùa” này cũng thật dễ hiểu khi Hội cổ vật Thiên Trường được hình thành, phát triển trên nền tảng mảnh đất Thiên Trường-Nam Định có lịch sử hình thành, phát triển đã hơn 750 năm.
Rất nhiều những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa-lịch sử thời Trần gắn với hào khí Đông A chói lọi một thời đang được lưu giữ tại đây, kết tinh, lắng đọng trong nhiều di vật, cổ vật cần được sưu tầm, giới thiệu, quảng bá…
Như một lẽ tất nhiên, Hội cổ vật Thiên Trường được thành lập khá sớm, chỉ sau hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội.
Ông Trần Văn Hinh-Chủ tịch Hội cho biết, đến nay hội đã có gần 200 hội viên, thuộc đủ giới, ngành nghề khác nhau nhưng có cùng niềm đam mê tìm hiểu, sưu tầm cổ vật.
Ông Hinh tự hào, một số hội viên của Hội đang sở hữu những bộ sưu tập cực kỳ giá trị như Thạp và bình gốm hoa nâu, trống đồng Đông Sơn. Bản thân ông sau nhiều năm miệt mài sưu tầm, đến nay cũng đã “kịp” sở hữu trên 200 hiện vật đất nung đầu rồng, phượng, lá đề thời Trần.
Một trong những tôn chỉ của hội là quảng bá, cổ vũ, thu hút ngày càng nhiều những người quan tâm, yêu thích sưu tầm cổ vật theo xu hướng xã hội hóa.
Chính vì vậy, từ năm 2004- thời điểm hội được thành lập- đến nay, đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu xuân, các hội viên của hội lại cùng tụ họp để giao lưu, mang theo những cổ vật giá trị một đời sưu tập mới có để cùng trưng bày, thưởng lãm.
Những năm gần đây, Hội có một địa chỉ giao lưu mới là Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Không gian rộng rãi, tương thích, khoa học của bảo tàng giúp cho hoạt động giao lưu, trưng bày thêm phần trang trọng, ý nghĩa.
Công chúng trong và ngoài Thành Nam dịp này nhờ vậy có thêm một địa chỉ du xuân thú vị, lành mạnh, đậm tính văn hóa.
Đặc biệt, có cơ hội làm giàu hơn vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tinh hoa dân tộc được kết tinh, ẩn hiện trong mỗi di vật cổ.
Hội cũng duy trì một hoạt động rất ý nghĩa là đấu giá cổ vật để gây quỹ làm từ thiện. Như năm nay, có mặt tại phiên đấu giá tổ chức ngay trong khuôn viên Bảo tàng, chúng tôi chứng kiến mấy chục cổ vật, có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng được ban tổ chức đưa ra đấu giá phục vụ mục đích nhân văn trên.
Với giới sưu tầm và công chúng Nam Định, hoạt động trưng bày, giao lưu cổ vật được tổ chức vào dịp đầu Xuân này càng có ý nghĩa hơn khi đây cũng chính là thời điểm khai hội chợ Viềng-nơi còn được biết đến là phiên chợ đồ cổ ngoài trời lớn nhất nước hiện nay…
Điều đáng mừng, theo ông Hinh, không chỉ có những “cây cao bóng cả” mà đang ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm, yêu thích cổ vật.
Trong số các hội viên của hội có những hội viên mới ngoài 20 tuổi, sở hữu những bộ sưu tập có số tuổi gấp hàng chục lần tuổi đời. Những giá trị lịch sử, văn hóa được lắng đọng, kết tinh trong mỗi cổ vật vì vậy sẽ được thế hệ trẻ hôm nay kế tiếp gìn giữ, lưu truyền.
Theo ông Hinh, sở dĩ những người đam mê, yêu thích cổ vật như các ông có được một sân chơi vui vẻ, ý nghĩa như thế này dịp đầu Xuân, thiết thực góp phần gìn giữ, quảng bá di sản văn hóa dân tộc xuất phát từ việc nhà nước đã có cái nhìn thông thoáng hơn trong công tác quản lý di sản văn hóa nói chung và cổ vật nói riêng. Nhất là từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý, giúp cho nhiều người có điều kiện tham gia sưu tâm, gìn giữ, quảng bá cổ vật, qua đó gìn giữ, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Một số hình ảnh PV Đại Đoàn Kết Online ghi lại tại hoạt động trưng bày, giao lưu, thưởng lãm, đấu giá cổ vật đầu xuân đang diễn ra tại Bảo tàng tỉnh Nam Định:
Rất nhiều cổ vật được trưng bày tại quanh khuôn viên bảo tàng tỉnh Nam Định, thu hút rất đông giới mộ điệu tham quan, tìm hiểu, mua bán.
Hoạt động hấp dẫn nhất là phiên đấu giá cổ vật mà theo ban tổ chức kinh phí thu được sẽ được dùng làm từ thiện.