Chùm ảnh: Đêm chợ Viềng ‘nô nức yến anh’…
Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, đến hẹn lại lên, đêm qua (7 tháng Giêng), các chợ Viềng ở Nam Định thêm một lần nữa khoe vẻ đa sắc của mình và sẽ còn kéo dài đến hết ngày hôm nay…
Nửa đêm, dòng người xe vẫn nườm nượp đổ về chợ Viềng,
mọi khoảng trống đều được người dân sở tại trưng dụng để trông giữ ô tô, xe máy và… hốt bạc.
Tên “chợ Viềng”-theo ông Nguyễn Văn Thư-Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định-không phải là tên gọi một địa danh cụ thể nào. Đó chỉ là cách gọi chệch từ “về” của dân gian, theo nghĩa “cùng về tụ họp”…
Chính vì vậy, nét quyến rũ đầu tiên của chợ Viềng, theo nhiều người trước hết nằm ở việc… được chen nhau. Mà không chen sao được khi cùng một thời điểm có đến hàng vạn người từ khắp mọi miền cùng hội tụ.
Ở một nơi nào khác, vào một thời điểm nào khác việc phải chen chúc, bị nêm như nêm cối sẽ khiến người ta bực bội, khó chịu. Vậy nhưng đến chợ Viềng, dù bị chen, bị xô, bị đẩy, thở không ra hơi nhưng không mấy người có cảm giác bực bội, khó chịu đó.
Nhiều người sau đó vẫn vui vẻ thốt lên: “Đến đây mà không được chen nhau thì khác gì chưa đi chợ Viềng”. Không quá lời khi nói, với nhiều người, đi chợ Viềng chính là đi tìm cảm giác thích thú của việc được chen nhau…
Thực tế ở Nam Định không chỉ có một mà hiện có đến 5 chợ Viềng ở 5 địa phương khác nhau. Được nhiều người biết đến hơn cả là chợ Viềng Vụ Bản, họp trên địa bàn thị trấn Gôi và các xã Trung Thành, Kim Thái, còn gọi là “Viềng Phủ” vì gắn liền với quần thể di tích phủ Dầy thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Chợ Viềng Nam Trực, họp trên địa bàn thị trấn Nam Giang, còn được gọi là “Viềng Chùa” vì gắn với chùa Đại Bi thờ Từ Đạo Hạnh.
Ngoài ra còn có chợ Viềng Nghĩa Hưng, họp trên địa bàn thị trấn Liễu Đề; chợ Viềng Mỹ Lộc họp gần đền Trần.
Mấy năm gần đây xuất hiện thêm chợ Viềng Ý Yên, họp vào ngày 10 tháng Giêng ở xã Yên Thắng…
Trước đây, khi quy mô chưa lớn như bây giờ, hai chợ Viềng lớn nhất Nam Định là Vụ Bản và Nam Trực chỉ bắt đầu chính thức họp chợ từ đầu ngày mồng 8 tháng Giêng. Những năm gần đây, ngay từ ngày mồng 7, các phiên chợ này đã vô cùng tấp nập. Đặc biệt, vào đêm ngày mồng 7, chợ Viềng thực sự là đêm hội “nô nức yến anh”…
Các chợ Viềng ở Nam Định đều có điểm chung được hình thành, hội họp ở những vùng đất được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Ngoài những làng quê nổi tiếng với nghề thâm canh rau màu, bao quanh quanh chợ Viềng Nam Giang là làng nghề rèn Vân Chàng nổi tiếng với các sản phẩm cơ khí; làng nghề chế tác đồ đồng, đồ bạc Đồng Quỹ, làng hoa cây cảnh Vị Khê. Gắn liền với chợ Viềng Vụ Bản là các làng nghề đúc đồng Tống Xá, gỗ mỹ nghệ La Xuyên…
Chính vì vậy, đến chợ Viềng du khách được chiêm ngưỡng và có thể mua sắm rất nhiều sản phẩm của đời sống nông nghiệp, nông thôn. Từ các loại cây giống, cây cảnh; các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt như lưỡi cày, lưỡi bừa, các loại dao, kéo đến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, đồ thờ tự; các gian hàng đồ cũ với đủ thứ từ chiếc nồi đồng đến chiếc nắp chuyên pha nước.
Điểm thú vị ở chợ Viềng là ai cũng có thể tìm mua được những vật mình cần mà ở các phiên chợ khác ít có. Phần lớn mọi người tìm mua các loại cây ăn quả, cây cảnh, các loại hoa với mong muốn năm mới cuộc sống sinh sôi, nảy nở. Riêng những lão nông mua gì thì mua nhưng không bao giờ quên mua những chiếc cuốc, xẻng, liềm, dao để chuẩn bị cho một năm làm lụng…
Với những người như bà Vũ Thị Quý ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương, niềm vui đi chợ Viềng trước đây đơn giản chỉ là tìm mua được được một cái vung nồi cũ vừa với chiếc nồi bị bẹp mất vung ở nhà. Niềm vui của ông Trần Văn Vịnh, nay 80 tuổi ở cùng xã là mỗi lần được đi chợ Viềng lại được mẹ cho ăn một bát phở. Với ông, phở chợ Viềng là món ngon nhất ông được ăn và mỗi năm cũng chỉ được ăn một bát. Theo ông Vịnh, trước đây cả chợ viềng Nam Trực chỉ có vài hàng phở chứ không nhiều như bây giờ. Vì ít, lại ngon nên đến bây giờ ông vẫn nhớ tên những hàng phở nổi tiếng ngày đó như phở Sìu, phở Giao Cù…
Có một thứ đặc sản từ cổ chí kim không bao giờ thiếu ở chợ Viềng là đặc sản thịt bò thui. Theo truyền thuyết, năm xưa khi dừng chân mở hội khao quân, thịt bò chính là thứ Quang Trung thiết đãi ba quân, tướng sĩ. Trước đây, đến chợ Viềng chỉ những nhà khá giả mới dám mua món đặc sản này. Giờ đây, nó trở thành phổ biến khi ai đi chợ cũng mua một vài cân để liên hoan gia đình, thiết đãi bạn bè. Đầu năm mua bê non về chăm sóc, vỗ béo để cuối năm bán thịt chợ Viềng từ lâu đã trở thành nếp làm kinh tế của nhiều nông dân địa phương.
Ngoài ý nghĩa là hội chợ văn hóa, hội chợ kinh tế, chợ Viềng còn được biết đến là hội chợ tâm linh. Điều đó thể hiện trước hết ở việc mọi người đến đây đều với tâm thế “mua may, bán rủi”. Một phần của phiên chợ diễn ra trong đêm ngày mồng 7 tháng Giêng. Mọi hoạt động tham quan, mua bán đều diễn ra dưới ánh đèn mờ ảo. Chẳng biết có phải do họp về đêm mà nhiều người gọi phiên chợ Viềng là phiên chợ Âm phủ?
Đến với chợ Viềng, với nhiều người việc chínhchưa hẳn đã là mua sắm mà là thực hành tín ngưỡng, tâm linh tại các đền, phủ, chùa tại đây. Có mặt tại chợ Viềng Vụ Bản những ngày qua, chúng tôi chứng kiến rất nhiều giá hầu đồng được các tín đồ Thánh Mẫu tổ chức tại các điểm đền phủ trong quần thể di tích Phủ Dầy dịp này…
Một số hình ảnh PV Đại Đoàn Kết online ghi lại trong đêm chợ Viềng “nô nức yến anh”:
Rất nhiều người rời chợ với một cây cảnh, cây giống-mặt hàng đặc trưng của chợ Viềng-trên tay…
Săn đồ cổ, đồ cũ, việc không thể thiếu của nhiều người khi đến chợ Viềng.
Mua được chiếc đài cũ độc đáo, người đàn ông này rất hả hê.
Đồ gốm sứ mới cũng rất đắt hàng.
Trong khi đó, một nhóm bạn trẻ tỏ ra say mê, thích thú với mẹt hàng thủ công.
Chọn mua dao kéo, có lẽ người đàn ông này rất chăm lo việc bếp núc ở nhà?
Thúng mủng, giỏ đựng cua, nơm úp cá cũng được mua bán rộn ràng ở chợ Viềng.
Chẳng biết tình duyên năm nay thế nào?
Một ban nhạc của người mù say sưa biểu diễn trong đêm hội nô nức yến anh, được rất nhiều người xem ủng hộ.
Cùng với dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống ở chợ Viềng cũng “hốt bạc”. Tuy nhiên, món thịt bò thui không thu hút nhiều người mua, bởi theo nhiều người ngày thường đã ăn quá nhiều nên không còn háo hức.
Dịp này, người ăn mày, ăn xin cũng đổ về chợ Viềng khá đông, họ nằm ngồi la liệt ngay dưới lòng đường.
Bắn súng, trò chơi mang dáng dấp bạo lực vẫn xuất hiện ở chợ Viềng.
Lực lượng an ninh-những người làm việc vất vả tại chợ Viềng.