Thương tiếc nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Lê Bách

Trần Thanh Phương 16/02/2016 10:46

Anh Nguyễn Lê Bách ơi, tôi không bao giờ nghĩ giữa ngày đầu xuân này, tôi ngồi viết những lời tiễn biệt anh! Đành rằng sinh tử là luật trời không ai có thể vượt qua. Mới tháng 11-2015, anh và chị Uyên vào Sài Gòn thăm bạn bè, anh biếu tôi bột sắn dây và nói lần sau vào, anh sẽ tặng tôi hộp trà ngon Thái Nguyên. Vậy mà!

Nhà ngoại giao, nhà giáo Nguyễn Lê Bách.

Hôm ấy tôi và anh cùng nhớ chuyến về thăm đất mũi Cà Mau- quê tôi hồi năm 2007. Anh còn nhắc, khi ấy tôi tặng anh chục đôi đũa làm từ thân cây đước già và nắm đất ở chót mũi Cà Mau. Sau bữa cơm trưa dưới tàng đước, chúng tôi được mời thưởng thức mươi tiết mục đờn ca tài tử nghiệp dư ở nơi cuối đất cùng trời này. Sau khi nghe cô gái ca bản “Dạ cổ hoài lang”, anh khều tôi ra ngoài, nói nhỏ: Cháu gái ca hay quá, tôi rất xúc động, muốn gửi cô ấy chút tiền, anh thấy có nên không? Tôi trả lời không nên, vì ở đây các em, các cháu phục vụ khách ở xa đến là vui rồi. Nhưng hình như không yên tâm, anh lấy trong túi xách của mình cái hộp nhỏ, tặng cô gái món quà kỷ niệm.

Anh em tôi quen và kết thân đến nay đã hơn 20 năm. Anh sinh năm 1938, hơn tôi 2 tuổi. Anh làm công tác ngoại giao từ năm 1976. Quen và thân anh không phải vì anh là đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại các nước Ai Cập, Ấn Độ...

Mấy lần đi chơi với anh, gặp mấy ông bạn già biết anh, đều gọi anh bằng cái tên thân mật: “Ông Đại sứ Trung Đông”. Anh là người hiền lành, rất tốt với bạn. Anh là một cộng tác viên “ruột” và lâu năm của báo Đại Đoàn Kết. Tôi nhớ giữa năm 1995, từ Cai-rô (Ai Cập, anh gửi bằng đường bưu diện cho tôi bài báo viết tay nhan đề “Tô bún bò Nam Bộ trên sa mạc Cô-oét”. Sau đó anh gửi tiếp bài “Nabeeh Rus hai bác sĩ của Việt Nam ở thủ đô Đamas” và nhiều bài khác. Anh làm công tác ngoại giao, tiếp xúc với nhiều người, nhiều lĩnh vực anh đi đây đi đó nhiều nước, lại có tài quan sát và trí nhớ tốt, nên anh viết được nhiều đề tài đông tây kim cổ. Suốt 20 năm qua, anh viết cho tờ báo Mặt trận được gần 100 bài.

Được tin anh mất, tôi vội lục lại bản thảo của cộng tác viên năm nào, và tìm trong các tập báo lưu, gặp rất nhiều bài của Nguyễn Lê Bách, thật không cầm lòng được. Xin kể tên một số bài: Cây dừa Bác Hồ trồng ở Thái Lan, Tự hào đi lên, Ngày hội non sông, Hỡi ai đi năm châu bốn bể, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Hà Nội nơi lắng hồn sông núi, Trùng trùng say trong câu hát… Mấy năm sau, anh gửi bài bằng e-mail. Nhưng trước anh viết bài bằng bút mực. Tôi chưa thấy bản thảo nào viết chữ đẹp như bản thảo của anh Nguyễn Lê Bách. Hàng hàng thẳng tắp, nét nào ra nét đó hệt như chữ ông giáo làng ngày xưa.

Trong lúc bận bao nhiêu việc của một vị đại sứ kiêm nhiều nước, vậy mà tháng nào anh cũng viết thư, viết bài cho báo Đại Đoàn Kết, với những hàng chữ đẹp như mơ.

Năm anh ngã bệnh, tôi ra Hà Nội, đến bệnh viện Hữu nghị thăm anh, tôi nói: Anh viết đã nhiều bài rồi, có thể soạn lại in được quyển sách dày dặn. Anh nói để thủng thẳng. Mới đây, tôi nhắc lại chuyện làm sách, anh cũng chỉ cười “để thủng thẳng”. Tôi hiểu, ý anh muốn còn viết thêm nữa. Cuộc đời có nhiều cái đẹp quá, đáng yêu quá mà! Định mệnh khắc nghiệt không cho phép anh ở lại thêm với chúng ta. Nhưng những tác phẩm báo chí của anh sẽ sống tiếp trong lòng bạn đọc.

Đi vào giấc ngủ ngàn thu, mỗi đời người ai cũng sẽ bước vào. Nếu chết mà có linh hồn, xin anh hãy hiểu cho gia đình, thân tộc, anh em, bạn bè và giới báo chí thương tiếc anh biết nhường nào.

Trần Thanh Phương