Nam Định: Chú trọng chất lượng đại biểu Quốc hội, HĐND
Đó là một trong những ý kiến của ông Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định tại hội nghị hiệp thương lần nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định khóa 18, do Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh tổ chức hôm nay, 16/2.
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội,
HĐND tỉnh do MTTQ tỉnh Nam Định tổ chức hôm nay diễn ra trong không khí dân chủ,thẳng thắn.
Theo ông Trương Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ mới, theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Nam Định được bầu tổng số 9 đại biểu Quốc hội. Trong đó có 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử.
Từ cơ sở trên, tỉnh Nam Định dự kiến cơ cấu 5 đại biểu Quốc hội cư trú và làm việc tại địa phương gồm: 1 đại biểu trong Thường trực Tỉnh ủy, 1 đại biểu là đại biểu chuyên trách giữ chức vụ lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, 1 đại biểu hội viên hội phụ nữ công tác trong ngành giáo dục, 1 đại biểu thuộc lực lượng an ninh, 1 đại biểu hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp.
Cũng theo ông Tuấn, tỉnh Nam Định có 3 đơn vị bầu cử Quốc hội, mỗi đơn vị sẽ bầu 3 đại biểu. Để đảm bảo số dư và quyền tự ứng cử, tỉnh dự kiến sẽ có tổng cộng 16 người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 15 người được giới thiệu ứng cử (trung ương giới thiệu 4 người, địa phương giới thiệu 11 người)…
Thảo luận, hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu đến từ các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Nam Định cơ bản thống nhất với cơ cấu, thành phần và số lượng người dự kiến được giới thiệu ứng cử bầu tham gia Quốc hội trên.
Tuy nhiên, quá trình thao luận, ông Nguyễn Phú Hậu, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh tỏ ý băn khoăn việc Trung ương giới thiệu tới 4 người về ứng cử tại tỉnh trên tổng số 9 đại biểu được bầu là hơi nhiều. Từ đó ông Hậu đề nghị tỉnh cần kiến nghị trung ương có sự xem xét, điều chỉnh, qua đó có thể tăng thêm đại biểu là người đang làm việc, cư trú tại địa phương.
Liên quan đến những người do địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị ngoài những tiêu chuẩn chung phải chú trọng hiệp thương, giới thiệu được những người cư trú, công tác ổn định, lâu dài tại địa phương, tránh tình trạng sau khi trúng cử, đại biểu lại chuyển nơi cư trú, công tác ra ngoài tỉnh, khi đó việc gắn bó với cử tri địa phương sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng…
Về bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa mới, ông Trương Anh Tuấn cho biết, căn cứ trên số lượng dân số và đảm bảo cơ cấu, thành phần theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, nhiệm kỳ này tỉnh Nam Định sẽ bầu tổng cộng 67 đại biểu.
Thượng tọa Thích Quảng Hà, đại diện Hội Phật Giáo
tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận tại kỳ họp hiệp thương.
Toàn tỉnh có 24 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh, để đảm bảo số dư và quyền tự ứng cử, tỉnh dự kiến sẽ có tổng số 130 người ứng cử, trong đó có 129 người do tỉnh giới thiệu. Trọng số lượng người dự kiến giới thiệu ứng cử, theo ông Tuấn đều đảm bảo về tỷ lệ người ứng cử là nữ, người ngoài Đảng, tuổi trẻ (dưới 35 tuổi), chức sắc các tôn giáo.
Thảo luận, hiệp thương về nội dung này, các đại biểu cơ bản thống nhất với cơ cấu, thành phần trên. Tuy nhiên, từ thực tế của địa phương, nhiều đại biểu mong muốn tới đây sẽ giới thiệu, bầu được những đại biểu đang làm việc tại lĩnh vực khoa học-kỹ thuật hay khối kinh tế hợp tác xã… tham gia HĐND tỉnh khóa mới.
Theo các đại biểu, phát triển khoa học-công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh quá trình CHH-HĐH cũng như hội nhập của đất nước. Trong khi đó phát triển kinh tế hợp tác, nhất là HTX nông nghiệp kiểu mới cũng đang là xu thế, đòi hỏi của thực tiễn ở địa phương. Chính vì vậy các lĩnh vực này rất cần có đại diện tại cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương để tham gia xây dựng, hoạch định chính sách…
Phát biểu tại đây, ông Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định khẳng định tinh thần cũng như yêu cầu quan trọng của kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp lần này là phải nâng cao chất lượng đại biểu, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp. “Một trong những cải cách quan trọng là sẽ thực hiện giảm số đại biểu của các cơ quan hành chính, tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách”, ông nói.