Trung Quốc đang 'quân sự hóa' trên Biển Đông

18/02/2016 07:25

Truyền thông phương Tây hôm 17/2 dẫn lời giới chức Mỹ xác nhận việc Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong khi Bắc Kinh nói rằng các cơ sở phòng thủ của họ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và các chuyến bay trong khu vực.

Trung Quốc đang 'quân sự hóa' trên Biển Đông

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai
tên lửa trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Nguồn: FoxNews).

Trước đó, một số hình ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSa International (ISI), sau đó được hãng FoxNews đăng tải, cho thấy 2 hệ thống phòng thủ đất-đối-không HQ-9 gồm 8 dàn phóng tên lửa, có tầm bắn khoảng 200 km, cùng một hệ thống radar, đã được triển khai trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép) .

FoxNews cũng nêu rõ các bức ảnh trên được chụp vào hôm 14/2, trong khi một bức ảnh vệ tinh được chụp hôm 3/2 cho thấy chưa có khí tài nào được lắp đặt ở cùng khu vực.

Ngày 17/2, người đứng đầu Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, đã có phát biểu ngắn về động thái này tại Tokyo, trong đó nói rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ trên không hiện đại của Trung Quốc trong khu vực “cho thấy rõ quá trình quân sự hóa”.

Bộ Quốc phòng Mỹ trong khi đó từ chối đưa ra bình luận về thông tin tình báo mà họ thu được, theo tờ Guardian, tuy nhiên nói rằng họ đang theo dõi sát sao sự việc.

Cùng ngày, tại một cuộc họp báo cùng đối tác Australia, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng: “Các cơ sở phòng thủ cần thiết và hạn chế mà Trung Quốc đã xây dựng trên các hòn đảo và bãi đá là phù hợp với quyền phòng vệ của Trung Quốc theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng nói rằng: “Việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của Trung Quốc là quyền phòng thủ của Trung Quốc chiếu theo luật pháp quốc tế”. Đại diện từ phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng các cơ sở phòng thủ này “không ảnh hưởng đến tự do hàng hải và các chuyến bay trên Biển Đông”.

Thêm vào đó, Ngoại trưởng Vương Nghị còn tuyên bố rằng các báo cáo về sự việc kể trên là do “một số hãng truyền thông phương Tây dựng lên một câu chuyện mới”.

“Tôi cũng hy vọng rằng giới truyền thông sẽ chú ý hơn vào ngọn hải đăng mà chúng tôi đã xây dựng trên một số hòn đảo, mà giờ đang hoạt động và rất hữu ích trong việc đảm bảo sự an toàn cho các con tàu đi qua” - Reuters dẫn lời ông Vương, nói.

Trước cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop đã nói rằng bà sẽ tiếp tục thách thức các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông.

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo ASEAN vừa kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày với Mỹ tại Sunnylands, California mà trong đó Biển Đông là một đề tài thảo luận.

“Chúng tôi đã thảo luận về việc cần thiết phải có các bước đi thực tế ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng, trong đó gồm việc ngừng cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa các khu vực tranh chấp” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 16/2.

Hồi tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa định hướng USS Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, như một phần trong cuộc tập trận đảm bảo “tự do hàng hải”.

Trung Quốc đã đáp trả bằng cách buộc tội Washington là “nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc quân sự hóa ở Biển Đông” và gọi hành động của Hải quân Mỹ là “hết sức nguy hiểm và vô trách nhiệm”.

Và trong khi Tổng thống Obama hôm 16/2 cảnh báo rằng “Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay và tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lên tiếng bảo vệ “quyền được bảo vệ lãnh thổ” của họ.

Phát biểu tại phiên họp có chủ đề "Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương" do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì, có sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đề nghị Mỹ và ASEAN tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn, để tiếp tục thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các bên liên quan không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC, sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh các đề xuất, sáng kiến của các nước, trong đó có Mỹ góp phần duy trì an toàn, an ninh ở Biển Đông.

Thủ tướng cho rằng để thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực này, Việt Nam đề xuất Mỹ phối hợp chặt chẽ với ASEAN để phát huy các cơ chế hợp tác trong khu vực như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Cơ chế bộ trưởng quốc phòng ASEAN và 8 đối tác (ADMM+). Hai bên cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng lòng tin, thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa trên biển.

(Theo VNE)

Khánh Duy