Lỗ hổng quy hoạch: Xây là xây, chặt là chặt
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, xây dựng và phát triển đô thị không theo khuôn mẫu nào cả. Điệp khúc xây là xây. Chặt là chặt. Đào cứ đào/ lấp cứ lấp/ lấp rồi lại đào/ đào rồi lại lấp …. gần như không còn mấy xa lạ với người dân.
Hà Nội lại sắp chặt hàng loạt cây xanh phục vụ tuyến Metro Ga Hà Nội-Nhổn.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND thành phố kế hoạch chặt hạ, di dời cây xanh để phục vụ thi công tuyến đường sắt ga Hà Nội – Nhổn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện khi phần lớn số cây gần trăm năm năm tuổi.
Cụ thể, để thi công nhà ga S6 thuộc dự án đường sắt trên cao đoạn ga Hà Nội - Nhổn, tại đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) có 38 cây muồng, keo, sưa đỏ... sẽ bị chặt hạ, cắt tỉa và di dời. Tương tự, tại công trường nhà ga S7, đoạn chùa Hà, quận Cầu Giấy, sẽ có 24 cây bị chặt hạ.
Theo kế hoạch ban đầu, trong số 62 cây xanh kể trên, đơn vị chức năng sẽ cắt sửa 35 cây, chặt hạ 19 cây và di chuyển 8 cây. Tại ga S6, đoạn trên vỉa hè đường Xuân Thủy có 22 cây, trong đó 20 cây muồng, 1 cây keo, 1 cây sưa đỏ. Các lực lượng chức năng sẽ di chuyển 5 cây, cắt sửa 8 cây, chặt hạ 6 cây và giữ nguyên hiện trạng 2 cây. Tại vỉa hè đường Xuân Thủy (trước cổng Đại học Quốc gia) hiện có 18 cây muồng, lực lượng chức năng sẽ cắt sửa 16 cây, chặt hạ 2 cây. Tại vỉa hè Xuân Thủy hướng về Cầu Giấy sẽ cắt sửa 3 cây, chặt hạ 6 cây, di chuyển 2 cây. Phía hướng Cầu Diễn sẽ cắt sửa 7 cây, chặt hạ 5 cây, đánh chuyển 1 cây. Tại công trường nhà ga trên tuyến đường Kim Mã đoạn qua công viên Thủ Lệ, sẽ có 25 cây bị chặt hạ để thi công, trong số này có 24 cây xà cừ có tuổi đời từ 60-70 năm…
Tất nhiên, việc chặt hạ và di dời cây xanh, trong đó có nhiều cây có tuổi đời lâu năm và có giá trị tinh thần đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân. Bản thân những người “có nghề” về quy hoạch kiến trúc cũng bất bình khi những “giá trị Hà Nội” bị xóa sổ. KTS Trần Huy Ánh cho biết, nhiều cây xanh được trồng từ những năm 50 của thế kỷ trước, là chứng nhân lịch sử, gắn liền với nét văn hóa Hà thành, nay bị phá bỏ để phục vụ cho sự phát triển của đô thị. Ở đây tầm quy hoạch đã không tới.
Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, xây dựng và phát triển đô thị không theo khuôn mẫu nào cả. Điệp khúc xây là xây. Chặt là chặt. Đào cứ đào/ lấp cứ lấp/ lấp rồi lại đào/ đào rồi lại lấp …. gần như không còn mấy xa lạ với người dân.
Ngay cả ý kiến của chuyên gia, hay của các hội nghề nghiệp, thường chỉ có tính “tham khảo”. Theo tính toán sơ bộ, mỗi cây di dời sẽ ngót ngét 70 triệu đồng. Với số cây mà các “đại dự án”, không chỉ tuyến đường sắt ga Hà Nội – Nhổn xóa sổ, số kinh phí vào khoảng 40 tỷ đồng. Thêm nữa, đốn lên sẽ trồng ở đâu, để người dân vẫn “hiểu” đó là di tích lịch sử, KTS Trần Huy Ánh đặt câu hỏi.
Bởi vậy, sẽ là đặc biệt cần thiết với các nhà quản lý xây dựng cho những dự án tương lai. Đừng để mất mát đáng tiếc nằm ở chính những quy hoạch phát triển.