Trang thông tin điện tử, blog: Phải kiểm soát bằng luật
Ngày 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Dẫu dự thảo Luật Báo chí sửa đổi trình ra TVQH lần này là dự thảo lần thứ 19 song vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được xử lý khi trang thông tin điện tử, blog không nằm trong đối tượng điều chỉnh.
Nhiều trang thông tin điện tử hoạt động như một cơ quan báo chí. Ảnh minh họa.
Bỏ ngỏ 60%
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, thông tin trên mạng ngày càng tăng nhưng rất tiếc trong Luật Báo chí (sửa đổi), việc kiểm soát thông tin trên mạng rất vắng bóng, không đáp ứng thực tiễn hiện tại ngày càng tăng khi người dân lấy thông tin từ trên mạng rất nhiều. Trang thông tin trên mạng có nhiều nguồn. Có thông tin từ nước ngoài đưa vào, và cả thông tin ở trong nước. Bây giờ thông tin bên ngoài không kiểm soát được thì phải kiểm soát bên trong tức là chức năng quản lý nhà nước. Ông Phước nhìn nhận rằng: “Nếu không kiểm soát được trang thông tin điện tử trên mạng thì Luật Báo chí mới quản lý được 40%, còn 60% bỏ ngỏ”. Ông Ksor Phước cũng đề nghị cần bổ sung quyền bảo mật danh tính của người cung cấp thông tin cho báo chí khi tố giác tội phạm và tham nhũng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là không có báo chí tư nhân nhưng trong đối tượng được thành lập cơ quan báo chí có tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hiện các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, doanh nghiệp lớn đã có các loại hình báo chí như tạp chí, trang thông tin điện tử. Trong Luật không điều chỉnh thì xử lý như thế nào?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề: “Các trang tin điện tử tổng hợp do chính Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, hiện các trang này được truy cập khá nhiều, có ngày lên đến hàng triệu lượt truy cập, thế mà ta lại bỏ không quản lý. Bỏ không quản lý thì không biết quản lý thế nào? Không thể để nơi thì dùng Luật quản lý còn nơi thì dùng Nghị định để quản lý”.
Phải kiểm soát bằng Luật
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc quản lý các trang thông tin trên mạng được điều chỉnh theo Nghị định 72. Luật Báo chí chỉ điều chỉnh các loại hình báo chí. Báo chí hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ngay trong bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí ngoài theo Luật còn phải theo Quyết định 75 của Bộ Chính trị. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Luật này chỉ quản lý báo chí do Nhà nước thành lập. Song song với Luật Báo chí là quy hoạch báo chí. Sắp tới theo lộ trình quy hoạch báo chí thì mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 tờ báo, còn lại là nhiều ấn phẩm khác nhau. Hiện một số tập đoàn, tổng công ty có báo nhưng theo lộ trình quy hoạch báo chí sắp tới thì không có báo chí mà chỉ lo kinh doanh.
Tuy nhiên, không đồng tình trước quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích thêm: Điều 4 của Hiến pháp nói Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo xã hội thì việc nắm thông tin tư tưởng trong nhân dân là cực kỳ quan trọng trong đó có báo chí. Việc các doanh nghiệp ra tạp chí, tập san là do nhu cầu phát triển của xã hội. Bây giờ loại bỏ tập san, tạp chí là trái với quy luật phát triển của xã hội bởi kinh doanh đương nhiên phải có quảng cáo để cho thị trường biết. Bây giờ cấm là không nên.
Nhận định trang thông tin điện tử bây giờ hoạt động như báo chí, ngay cả người cấp phép hoạt động cho các trang thông tin điện tử là Bộ Thông tin - Truyền thông và các Sở Thông tin - Truyền thông cũng không quản lý hết được vì trang thông tin điện tử quá nhiều, khó có thể kiểm soát. Từ đó Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, Luật cần nghiên cứu quản lý các trang thông tin điện tử.
Chỉ rõ quyền tự do chỉ bị hạn chế bằng Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Trào lưu xã hội phải vận động, người dân chỉ cần mở điện thoại ra là có ngay các thông tin trên mạng. Bây giờ nói trang thông tin điện tử không phải là báo nên không quản lý mà quản lý bằng Nghị định, như vậy là không được” và chỉ rõ: “Các mối quan hệ xã hội mà không quản lý thì làm gì? Cho nên cần nghiên cứu điều chỉnh các trang thông tin điện tử trên mạng”.
Tạm bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp Chiều 18/2, TVQH cho ý kiến về Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc đề nghị bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp của ngành Kiểm sát nhân dân. Lý giải về việc Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực từ ngày 1/6/2015 nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được người, phải xin bổ sung chỉ tiêu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ thực hiện đề án vị trí việc làm đối với từng chức danh. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã làm xong đề án tiêu chí việc làm và chuyển sang Bộ Nội vụ để thẩm định, nhưng đã hơn một năm Bộ Nội vụ vẫn chưa thẩm định vì chờ các bộ ngành khác hoàn thiện xong mới thẩm định một thể. Từ tình hình trên, trước đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, TVQH đã tạm giao 159 kiểm sát viên cao cấp cho ngành kiểm sát nhân dân bao gồm ở tỉnh, thành phố, Viện cấp cao, Viện tối cao và Viện quân sự. |