Trở về từ cõi chết
Từ sáng sớm, mặc dù giữa cái lạnh buốt giá, người dân thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có mặt ở cảng Gianh để chờ đón những ngư dân may mắn trở về sau cơn hoạn nạn. Cái tình của người làng biển là vậy, bỏ cả chuyến ra khơi đầu năm, bỏ cả buổi chợ để cùng sẻ chia khi nghe tin bạn tàu thoát nạn trở về.
Chị Nguyễn Thị Lê, vợ anh Côi khóc ngất bên di ảnh chồng.
Nước mắt ngư phủ
Sáng 18/2, ngư dân may mắn thoát nạn sau vụ chìm tàu hôm 15/2 đã về đến quê nhà trong sự vui mừng của người thân và bè bạn. Nhưng niềm vui đong đầy nước mắt xót thương, bởi 3 người bạn thuyền đang lênh đênh ngoài biển khơi và công cuộc tìm kiếm vẫn còn tiếp tục... Trước đó, khoảng vào lúc 21h ngày 15/2, tàu cá QB 92671 TS do anh Nguyễn Ngọc Hải (trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, Bố Trạch) làm chủ đã bị sóng lớn đánh chìm khi đang hoạt động trên biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam trong điều kiện thời tiết rất phức tạp. Trên tàu có tất cả 7 ngư dân đều bị hất xuống biển, 4 người may mắn được cứu thoát còn 3 người mất tích trên biển.
Trong chuyến biển định mệnh đầu năm, chỉ có 3 trong số 5 người con của làng Thanh Xuân may mắn trở về. Được người thân và bà con làng xóm đón về tận nhà, anh Nguyễn Ngọc Hải, chủ tàu cá bị nạn vẫn chưa hết đau đớn, bàng hoàng. Suốt mấy chục năm theo nghề đi biển, có lẽ đây là chuyến ra khơi dài nhất mà anh từng trải qua. Anh Hải kể, khoảng 15h ngày 15/2, chúng tôi vừa thả câu đánh bắt, nhưng thấy gió càng lúc giật mạnh nên chúng tôi cho tàu di chuyển về hướng đảo Hải Nam (Trung Quốc). Lúc đó gió giật khoảng cấp 8, cấp 9 nên chúng tôi đã bỏ neo. Đến khoảng 20h, anh em trong tàu vẫn nấu ăn như bình thường. Rồi bất ngờ có một chiếc tàu lớn chạy qua và đã cuốn theo neo tàu của các anh, trong chớp mắt thì tàu bị lật.
“Chúng tôi có thấy chiếc tàu lớn đó chạy qua, rồi tha neo tàu chúng tôi, nhưng không rõ đó là tàu màu gì, biển hiệu ra sao. Tàu bị lật quá đột ngột nên không ai trở tay kịp” anh Hải cho hay.
Theo anh Hải, lúc tàu mới bị lật, có 2 người bị rơi xuống biển, trên tàu vẫn còn lại 5 người cố gắng bám trụ với hy vọng được cứu vớt. Khoảng gần 2 tiếng sau, một người nữa lại bị rơi xuống biển, rồi cả con tàu chìm hẳn. Khoảng 1 giờ sáng ngày 16/2 , 4 người còn trụ lại được may mắn được tàu bạn gần đó cứu vớt.
Khi được cứu, cả 4 người cứng đơ hết vì lạnh. 4 ngư dân đã được những người trên tàu bạn lấy nước ấm lau người, rồi lấy quần áo cho mặc. Sau đó, họ tiếp tục chạy đi tìm kiếm 3 người bị rơi xuống biển, nhưng không tìm thấy.
“Hai ngày sau, chúng tôi được tàu bạn đưa về, đến sáng hôm nay thì về đến đồn Biên phòng cảng Gianh. Về tới nhà, được gặp lại người thân, tôi cũng chẳng biết nói sao nữa. Chúng tôi may mắn trở về từ cõi chết nhưng còn con trai và 2 bạn tàu của tôi vẫn chưa được tìm thấy”, anh Hải buồn bã nói. Còn ngư dân Nguyễn Văn Tọa, (SN 1964), thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn vừa vào đất liền đã được gia đình chuyển vào bệnh viện điều trị vì bị chấn thương khi cố gắng vật lộn giành bảo toàn sự sống lúc tàu chìm...
Nước mắt người ở lại
Đón chồng về tận cửa nhà, chị Nguyễn Thị Đào, (SN 1974), vợ anh Hải khóc không thành tiếng. Có lẽ chị cũng chẳng biết đang vui hay buồn. Vui vì người chồng trở về từ tay thần chết. Buồn vì thương nhớ con trai Nguyễn Ngọc Sơn, (SN 1998) đang lênh đênh đâu đó ngoài biển khơi xa thẳm. Mấy chục năm chung sống, tài sản của vợ chồng anh chị là con tàu trị giá gần 2 tỷ đồng cùng ngư lưới cụ đã chìm sâu dưới đáy biển. Hai đứa em nhỏ của Sơn, thấy ba mà không thấy anh trai trở về cũng ôm mẹ khóc nức nở.
Nằm cách nhà anh Hải một con ngõ, căn nhà nhỏ của anh Phạm Côi, (SN 1972) từ sáng sớm đã ngập tràn trong nước mắt. Anh Côi làm bạn tàu của anh Hải gần chục năm nay. Mỗi lần tàu về sau chuyến biển, chị Nguyễn Thị Lê (SN 1976) vợ anh Côi đều ra tận cảng Gianh đón chồng. Hôm nghe tin dữ, cả 5 mẹ con chị Lê dù bàng hoàng cực độ vẫn ôm ấp hi vọng, ngóng trông anh về.
Thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, người dân từ bao đời nay vẫn bám biển mưu sinh. Trong làng có 2 người trên chuyến tàu định mệnh, thì một người may mắn trở về còn ông Nguyễn Văn Bợi (SN 1958) vẫn biệt tích trên biển. Trong căn nhà cấp 4 đã cũ kĩ, anh Nguyễn Thanh Thịnh (SN 1988), con trai ông Bợi rơm rớm nước mắt. Anh Thịnh kể, người làng Mỹ Hòa hầu như sống nhờ vào biển nhưng thường qua ngày rằm tháng Chạp họ mới ra khơi.
“Với kinh nghiệm của người đi biển, tui cũng biết hi vọng sống nếu bị rơi xuống biển mùa này là hầu như không còn nhưng vẫn mong các lực lượng chức năng tìm được thi thể ba để đưa về quê an táng...” Anh Thịnh thẫn thờ.
Trong sáng 18/2, lãnh đạo huyện Bố Trạch đã tổ chức đoàn đến thăm và động viên các gia đình thuyền viên mất tích, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 4 triệu đồng. |