Lao động sang Thái Lan, Lào làm việc tự do: Vẫn đùn đẩy trách nhiệm
Hà Tĩnh có hơn 26.400 lao động di cư bất hợp pháp, trong đó lao động làm việc tại Thái Lan là gần 10.000 người, Angola hơn 7.200, Lào gần 1.800 người… “Cơn sốt” lao động đã tồn tại mấy năm nay, nhưng việc quản lý số lao động phi pháp này vẫn đang là bài toán làm đau đầu cơ quan chức năng.
Người dân đang rất cần những động thái
tích cực từ các nhà chức trách để chấm dứt tình trạng lao động tự do.
Vấn đề bức thiết
Thị trường Lào, Thái Lan, Angola rất phù hợp với lao động Việt Nam về cả môi trường, tác phong làm việc và nhất là ở đây nhu cầu lao động lớn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao vì thế không riêng gì lao động Hà Tĩnh chọn các nước này làm điểm đến. Hiện nay, đối với thị trường Angola, Chính phủ đã cho phép 5 doanh nghiệp thực hiện thí điểm đưa lao động sang làm việc tại nước này theo hợp đồng, đối với Lào thì Chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác lao động.
Riêng đối với thị trường Thái Lan có 8 ngành chủ yếu là các ngành có trình độ chuyên môn như kiến trúc, xây dựng, y tế cho phép di cư tự do. Mặt khác, Thái Lan đã tạo điều kiện cho người nước ngoài nói chung, trong đó có Việt Nam ở lại đăng ký làm việc với thời hạn 1 năm (gồm 4 ngành nghề chính là giúp việc gia đình, phục vụ nhà hàng, lao động phổ thông trong ngành xây dựng, đánh bắt cá trên biển).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy lao động lựa chọn theo con đường hợp tác lao động ở các nước nói trên chiếm tỷ lệ rất ít mà chủ yếu là đi tự do. Dẫu biết lao động đi như vậy một mặt làm thay đổi cuộc sống của người lao động, góp phần đổi thay diện mạo quê hương nhưng mặt khác để lại những hệ lụy đáng buồn. Việc quản lý lao động dường như vượt qua tầm kiểm soát của cơ quan chức năng khi lao động phải lợi dụng kẽ hở của luật pháp Việt Nam để xuất ngoại.
Vừa qua, Hà Tĩnh đã tiến hành tổng điều tra rà soát vấn đề lao động, việc làm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó đã nắm được con số cụ thể về lao động di cư tự do và giao trách nhiệm cho các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình để có biện pháp xử lý lao động hết hạn thị thực. Vậy câu hỏi đặt ra là việc quản lý, kiểm soát lượng lao động này như thế nào?
Cần những giải pháp căn cơ
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã và đang có nhiều giải pháp để hướng người dân làm giàu hợp pháp. Thời gian qua, ngành lao động - thương binh - xã hội đã tuyên truyền đến tận tất cả các xã, phường về việc lao động di cư tự do là phạm pháp đồng thời thông tin cho người lao động những thị trường được phép xuất khẩu lao động, những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu lao động. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với khối nội chính xử lý các tổ chức, cá nhân đưa lao động ra nước ngoài trái phép để răn đe, cảnh báo cho người lao động… Song thực tế những giải pháp này chưa giải quyết hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động qua Lào, Thái Lan làm việc.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng lao động, việc làm, Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá đúng thực trạng: Các cơ quan quản lý nhà nước rất khó thực hiện công tác quản lý lao động di cư tự do. Ban đầu người lao động sang Thái, Lào, Angola không đi theo chương trình hợp tác lao động mà đi theo đường du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, hôn nhân giả… Khi hết thời hạn thị thực họ ở lại làm việc thì ngành lao động khó có thể quản lý được!
Để quản lý tốt vấn đề lao động di cư hợp pháp sang Thái Lan, Lào, theo ông Dũng, lực lượng công an phải vào cuộc quyết liệt trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu và có chế tài đủ mạnh để xử phạt đối với trường hợp đi khỏi địa phương trong thời hạn quá 3 tháng. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, ngành LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao cần sớm xúc tiến ký kết hợp tác lao động với hai nước này. Mặt khác, khi ký kết hợp tác lao động thì cần đặt lợi ích người lao động, nhất là lao động nghèo tại các vùng quê lên trên hết.
Ông Dũng thẳng thắn: “Nếu chi phí đội cao lên gấp mấy lần đi “tự do” thì ắt hẳn người dân sẽ tự lo cho “số phận” và nếu điều đó xảy ra thì chúng ta thất bại ngay sau khi ký kết. Thực tế hiện nay người dân chỉ cần bỏ ra 1-2 triệu đồng là có thể sang Lào, sang Thái bất cứ lúc nào. Nhưng nếu chi phí xuất khẩu hợp pháp lên đến 20 triệu đồng thì không ai chọn con đường này”.
Hiện nay, đã có nhiều thị trường “đóng băng” đối với lao động Việt Nam, họ tẩy chay lao động nước ta do lao động yếu về ngoại ngữ, tay nghề và nhất là ý thức. Vì thế cần phải thực hiện nghiêm túc vấn đề đào tạo lao động” - ông Đặng Văn Dũng phân tích.
Việc di cư tự do ồ ạt ra nước ngoài như hiện nay ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác đã ít nhiều tạo ra hình ảnh xấu xí trong cộng đồng người Việt Nam vốn được xem là thân thiện, chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Thực tế, thị trường Lào, Thái Lan vẫn đang sử dụng hàng chục nghìn người Việt Nam một cách ổn thoả. Vậy, bài toán đặt ra ở đây là ngành chức năng cần làm gì để lao động địa phương qua Lào, Thái Lan làm việc hợp pháp và được bảo hộ chứ không phải là vấn đề “đùn đẩy trách nhiệm” hoặc đổ lỗi cho người dân!.