'Hút' thí sinh bằng nhiều hình thức
Đến thời điểm hiện nay đã có hàng trăm trường đại học (ĐH) trên cả nước công bố phương thức tuyển sinh 2016. Theo đó, ngoài hình thức sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, rất nhiều trường đã ấn định thêm hình thức tuyển sinh qua học bạ (kể cả các trường công lập). Đây được xem là cách tạo điều kiện cho thí sinh được vào ĐH, cũng như để các trường thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Ảnh minh họa.
Đầu tháng 2/2016, ĐH Lâm nghiệp đưa ra phương án tuyển sinh 2016 với 3 phương thức: Xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; Xét tuyển học bạ vào một số ngành; Tổ chức thi, xét tuyển đối với môn năng khiếu thuộc khối V, H. Trong đó, trường xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn thi (các khối A00, A01, A02, B00, D01, D07, D08, D10, C00, C01, H00, V00). Xét tuyển học bạ vào một số ngành không vượt quá 40% chỉ tiêu.
Năm 2015, ĐH Lâm nghiệp là một trong những trường khó tuyển sinh. Sau hai đợt tuyển, trường mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Với cách thức tuyển sinh như năm nay, nhà trường hi vọng sẽ nhận được nhiều hồ sơ đăng ký vào trường.
Đại diện ĐH Nông Lâm Thái Nguyên mới đây cũng cho biết: Năm nay nhà trường tuyển 2.250 chỉ tiêu, trong đó có 60% chỉ tiêu dành cho thí sinh xét tuyển dựa vào kết qur kỳ thi THPT Quốc gia và 40% chỉ tiêu xét học bạ. Thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi THPT phải có kết quả thi đạt ngưỡng điểm vào đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng dự kiến tuyển 2.000 sinh viên. Trường lấy 90% thí sinh xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và 10 % thí sinh xét tuyển bằng học bạ THPT. Đối với thí sinh sử dụng kết quả học tập THPT, trường xét thí sinh tốt nghiệp từ năm 2015 với điểm trung bình năm học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) của ba môn trong tổ hợp tương ứng đạt 18 điểm trở lên.
Cũng có nhiều trường ĐH đưa ra phương án tuyển sinh, với chỉ tiêu chủ yếu lấy từ xét tuyển học bạ. Ví dụ, trong mùa tuyển sinh năm nay ĐH Kinh tế Nghệ An tuyển sinh 1.850 chỉ tiêu. Nhà trường xét tuyển theo 2 phương thức cho đại học và cao đẳng: Phương thức 1 dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì, phương thức 2 dựa vào học bạ (căn cứ vào kết quả học tập THPT có tổng điểm 3 môn theo khối xét tuyển>=18 đối với hệ ĐH; 16,5 đối với hệ CĐ). Trong đó nhà trường lấy 30% cho phương án tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, 70% dựa vào xét học bạ.
Tương tự những trường nêu trên, ĐH Hàng hải Việt Nam cũng có 2 hình thức xét tuyển, xét tuyển bằng cách lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì và xét học bạ. Tuy nhiên, với hình thức xét tuyển học bạ, trường chỉ tuyển 2 ngành hệ ĐH là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển, mỗi ngành 20% chỉ tiêu. Để được xét tuyển bằng học bạ, thí sinh phải đạt 3 tiêu chí: Tốt nghiệp trung học phổ thông. Hạnh kiểm được xếp loại Tốt 3 năm THPT. Điểm trung bình học tập đảm bảo điều kiện xét tuyển. Trong đó điểm trung bình học tập = (Tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển trong 3 năm lớp 10, 11, 12; mỗi năm gồm học kỳ 1 và học kỳ 2)/18; Điều kiện xét tuyển bậc ĐH: Điểm trung bình học tập phải từ 6.0 điểm trở lên (thang điểm 10).
Ngoài bổ sung hình thức xét tuyển, nhiều trường ĐH cũng xét thêm điều kiện học bạ để nộp hồ sơ. Đại diện ĐHQG TP HCM cho biết về cơ bản công tác xét tuyển của trường năm 2016 thực hiện theo quy định hiện hành dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2016. Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển: bậc ĐH thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,5 trở lên; bậc CĐ thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình ba năm học (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) từ 6,0 điểm trở lên.