Nhập toa xe Trung Quốc cũ: Có bút phê của lãnh đạo đường sắt
Tuy phê "đồng ý" nhưng ông Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt lại cho rằng “việc bút phê là để nắm bắt thông tin, khảo sát thực tế xem có những loại gì, năm bao nhiêu, chất lượng thế nào, giá cả ra sao… rồi tổng hợp, báo cáo lại để xem xét quyết định”.
Khá nhiều ý kiến trái chiều về việc ai là người có lỗi chính trong vụ việc ngành đường sắt Việt Nam đề xuất mua 164 toa tàu xe cũ từ Trung Quốc. Sau khi Bộ Giao thông-Vận tải chính thức khẳng định, sẽ kiểm tra quy trình mua tàu cũ thì người đứng đầu ngành đường sắt cũng lên tiếng.
Việc kiểm tra quy trình mua tàu cũ do ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp là tổ trưởng và 5 thành viên sẽ kiểm tra tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Các công việc được kiểm tra là vấn đề mua, nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng thời gian qua; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc Tổng Công ty này.
Trước ngày 25/2, tổ công tác sẽ phải báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải kết quả kiểm tra, trong đó có đề xuất giải pháp và xử lý các vấn đề liên quan. Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường khẳng định, khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Theo tài liệu có được, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có chủ trương mua 164 toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc. Tổng Công ty còn có văn bản gửi Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội phối hợp với Cục Đường sắt Côn Minh – Trung Quốc để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu. Bởi chủ trương của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Chiều 19/2, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Trần Ngọc Thành, người từng nói không có chủ trương nhập xe cũ nói, vào tháng 10/2014, Ban Kế hoạch - Kinh doanh của Tổng Công ty từng trình Chủ tịch và Tổng Giám đốc, xin ý kiến về vấn đề này.
Một ngày sau, ông Thành bút phê vào văn bản: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”. Nhưng theo ông Thành “việc bút phê là để nắm bắt thông tin, khảo sát thực tế xem có những loại gì, năm bao nhiêu, chất lượng thế nào, giá cả ra sao… rồi tổng hợp, báo cáo lại để xem xét quyết định”.
Tờ trình được Ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng Công ty thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tổng Công ty hơn một tháng trước đó.
Ngoài ra, các tài liệu khác còn cho thấy cách đây gần 2 tháng, người đứng đầu Ban Giám đốc Tổng Công ty là ông Vũ Tá Tùng đã ký công văn yêu cầu Đường sắt Hà Nội cùng đơn vị thành viên khác “chủ động làm việc với các cơ quan chức năng” về điều kiện nhập khẩu.