Hành khách đang bị móc túi

Thanh Giang - Thúy Hằng 20/02/2016 10:50

Việc lao dốc không phanh của giá nhiên liệu vô hình trung tạo nên cảm giác phấn chấn và hồ hởi cho cộng đồng người tiêu dùng. Tuy nhiên nhìn vào thực tế thị trường lại thấy, các hãng vận tải vẫn đang “bắt tay” nhau để móc túi người tiêu dùng. 

Hành khách đang bị móc túi

Cước vận tải chây ỳ trong khi giá xăng dầu giảm sâu khiến người dân thiệt thòi.
(Ảnh: S. Xanh).

“Nhà xe” viện đủ lý do

Bộ Tài chính siết giá cước taxi

Ngày 19/2, Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn.

Trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu; phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các Hiệp hội vận tải ô tô tuyên truyền, vận động đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ theo quy luật thị trường và phù hợp mức giảm giá nhiên liệu đầu vào; công khai các đơn vị không kê khai và giảm giá cước theo yêu cầu, để cơ quan chức năng xử lý.

Theo tính toán của chuyên gia, phí xăng dầu chiếm tới 25 – 35% cước vận tải. Chính vì vậy khi giá xăng dầu biến động thì giá cước vận tải biến động theo cũng là điều hiển nhiên. Nhưng nghịch lý ở chỗ khi xăng dầu tăng giá cước vận tải cũng kịp thời “phi mã” tránh thiệt hại, lúc xăng dầu giảm cước vận tải “án binh bất động” hoặc giảm rất chậm.

Hiện tượng “làm giá” này của các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn không bình thường nhưng lại tồn tại thâm niên theo kiểu luật bất thành văn, mặc cho hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải gánh chịu thiệt hại, còn doanh nghiệp thu lợi nhuận không hề nhỏ.

Đặc biệt, kể từ khi lập đỉnh cao nhất 20.711 đồng/lít vào ngày 19/6/2015 thì sau nhiều lần liên tiếp giảm giá xăng dầu, giá cước vận tải vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Hiện nay, mức giá cước của các hãng taxi là 15.000 đồng/km (xe 4 chỗ), 17.000 đồng/km (xe 7 chỗ).

Như vậy, lấy giá taxi hiện tại so với giá xăng trung bình 14.000 đồng/lít thì mỗi km nhà xe hiển nhiên bỏ túi từ 2.000 - 3.000 đồng phần dư dôi. Thế là các nhà xe cứ vịn cớ chi phí điều chỉnh đồng hồ cao, thiệt hại khi in lại vé nhằm đủng đỉnh trong việc giảm giá mà không cần biết đến lợi ích của người tiêu dùng.

Mới đây, mong muốn vấn đề giá cước được hợp tình hợp lý, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng khẳng định, nhà nước không thể ép doanh nghiệp điều chỉnh giá cước khi gia xăng tăng, giảm thất thường. Bởi mọi điều chỉnh kèm theo đó rất tốn kém, phức tạp. Một cách lý giải hoàn toàn không thuyết phục do trên thực tế rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước vận tải không tăng.

Câu hỏi ngược lại, tại sao khi giá cước tăng việc điều chỉnh đồng hồ rất kịp thời mà không vướng bận vấn đề gì? Rõ ràng nói tốn kém trong chỉnh đồng hồ hoàn toàn không ổn, cái gì ra cái đó. Lỗi kỹ thuật cần phải chấn chỉnh, nâng cấp. Không thể xen kỹ thuật vào kinh tế, hay lợi dụng điểm yếu kỹ thuật để “móc túi” người tiêu dùng.

Băn khoăn trước tình trạng chậm giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) từng đặt câu hỏi: “Liệu vấn đề cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lập đi, lặp lại nhiều lần từ năm 2011 đến nay? Độc quyền sẽ dẫn đến thao túng thị trường”.

Cần có biện pháp rắn

Ghi nhận về mức giá mà các hãng xe taxi đang niêm yết hiện nay trên địa bàn Hà Nội phổ biến ở mức 7.000 đồng/500 m đầu tiên, 10.500 đồng/km tiếp theo. Mức giá này cũng đã được duy trì trong quãng thời gian 3 tháng trở lại đây, tương ứng với thời điểm giá xăng ở mức 15.000 – 15.500 đồng/lít.

Như vậy, chỉ cần nhẩm tính đơn giản, giá xăng giảm nhưng giá cước taxi chờ đến 15 ngày sau mới giảm theo, sẽ thấy khoản lợi nhuận khá lớn được các hãng xe có.

Có một thực tế đang diễn ra, ý thức tự giảm giá của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải dường như rất thấp. Nhiều hãng xe tư nhân nếu không có chỉ đạo từ cơ quan quản lý sẽ ngó lơ và làm chậm thời gian giảm giá.

Với loại hình kinh doanh vận tải , giá cước chỉ giảm khi cơ quan nhà nước gửi công văn yêu cầu giảm, và có thể các cá nhân đàm phán giảm giá với nhà xe. Các nhà xe đều nhìn nhau giảm ở mức tương tự. Nhưng trong lần điều hành giá xăng ngày 18-2, chỉ có giá xăng giảm mạnh mà giá dầu đứng yên nên các hãng vận tải giảm giá rất hiếm. Các hãng taxi được lưu ý đặc biệt về điều chỉnh giá.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính – Bộ Tài chính khẳng định, bản thân Bộ Giao thông Vận tải cũng như Bộ Tài chính có văn bản, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra giá cước nhưng sức ép từ quản lý là một chuyện, bản thân người kinh doanh luôn vì lợi ích của mình cố níu kéo và không chịu giảm giá ở mức tương ứng.

Doanh nghiệp chỉ tự giảm giá khi có môi trường cạnh tranh đúng nghĩa, mà ở ngành kinh doanh taxi chưa thật sự có cạnh tranh. Một số hãng lớn, chiếm thị phần cao bắt tay lại với nhau, đưa ra một mức giảm nhỏ giọt. Giá xăng giảm mạnh, các hãng taxi giảm nhẹ là điều vô lý, chưa kể thời gian bắt người tiêu dùng chờ khá lâu.Vậy còn cách nào quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ hơn? “Theo tôi, điều mà chúng ta mong muốn là tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng khi chưa tạo được thì cơ quan quản lý cần có

biện pháp rắn. Cơ quan thuế cần kiểm soát gắt gao hơn vấn đề tài chính của các hãng kinh doanh vận tải, taxi nếu thấy lợi nhuận bất thường, doanh nghiệp không giải thích được thì xử phạt thật nặng. Không có gì không thể kiểm soát được”- ông Thụy khẳng định.

Không giảm là vi phạm luật giá

Thực tế chứng minh, cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu là không đúng cơ chế thị trường, không đúng luật giá. Ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh đang bị vô hiệu hóa trên thị trường vận tải. Nếu để các doanh nghiệp vận tải vào chung một thị trường sẽ thấy thị phần của từng doanh nghiệp không đáng bao nhiêu. Nhưng chia nhỏ thị trường ra lập tức thị phần của các doanh nghiệp tăng lên rất nhiều. Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường đang thực hiện vai trò lãnh đạo giá.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia xăng dầu Nguyễn Tuấn Quỳnh khẳng định, thị trường giá cước vận tải Việt Nam không sòng phẳng, không công bằng với người sử dụng. Có dấu hiệu “bắt tay” làm giá, còn cơ quan nhà nước lại không có một khung giá nào để ấn định cụ thể buộc doanh nghiệp thực hiện theo.

Theo các chuyên gia, phải mạnh tay hơn nữa trong điều hành giá cước vận tải, nếu không nền kinh tế chẳng được lợi gì. Giải pháp tối ưu hiện nay là không cần phải bắt các doanh nghiệp kê khai giá làm gì cho nhiêu khê. Xăng dầu giảm, giá cước vận tải giảm theo tương ứng là điều tất yếu. Trường hợp thấy đơn vị vận tải nào áp dụng giá cước vận tải ở mức cao ngất ngưởng phải kiểm tra và phát thật nặng nhằm tăng tính răn đe trong quản lý.

Trên thị trường cạnh tranh doanh nghiệp được nhà nước trao quyền về giá. Mức giá không biết như thế nào hợp lý, người tiêu dùng có thể thấy mức giá hiện hành là cao nhưng doanh nghiệp thấy thấp. Thiết nghĩ, giải quyết và điều hành giá cước vận tải cũng phải nhìn từ góc độ cạnh tranh, tránh tình trạng cước vận tải “bất di, bất dịch” tác động xấu đến nền kinh tế.

Cước taxi sẽ giảm khoảng 300đ/km

Từ chiều 18/2, giá xăng đã giảm kỷ lục, xuống còn 13.752 đồng/lít xăng A92 và xăng E5 giảm còn không quá 13.331 đồng/lít. Ngày 19 - 2, Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, với lần giảm này của giá xăng, chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh taxi sẽ phải giảm cước. Mức giảm dự kiến khoảng 300đ/km. Tuy nhiên, để hoàn tất các thủ tục xin giảm giá chắc cũng phải mất gần 2 tuần.

Theo tính toán khi giá xăng chỉ cần giảm xuống khoảng 15.000 đồng/lít và giá dầu giảm còn khoảng 10.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải điều chỉnh giảm cước. Các đơn vị sẽ cân đối với các yếu tố đầu vào khác để đăng ký kê khai giảm giá cước.

Thanh Giang - Thúy Hằng