Dập dìu hội Lim
Hôm nay, 20/2 (tức13 tháng Giêng), hội Lim chính thức khai mạc. Mặc dù vậy, từ ngày 19/2 đã có hàng ngàn người đổ về để nghe liền anh, liền chị trình diễn Quan họ.
Liền anh, liền chị hát Quan họ giao duyên.
Đến hẹn lại lên, hội Lim luôn thu hút hàng vạn du khách thập phương. Lặn lội bằng được đến miền quê Quan họ, nhiều người chỉ mong được nghe những làn Quan họ cổ độc đáo do chính các nghệ nhân xứ Kinh Bắc diễn xướng. Hội Lim 2016 mang chủ đề “Lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” và diễn ra tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa gồm là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Theo BTC lễ hội, năm nay địa phương dành một nguồn kinh phí khá lớn cho việc xây dựng một không gian quan họ mới mẻ trên đồi Lim. Đồng thời vẫn khuyến khích duy trì các canh quan họ cổ. Các loại hình Quan họ khác như Quan họ cửa đình, cửa chùa, Quan họ dưới thuyền cũng sẽ diễn ra tại các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Lũng Giang, Duệ Đông, Duệ Khánh...
Đến tham dự hội Lim 2016, nhân dân cùng du khách thập phương sẽ được hòa mình vào không gian lễ hội mà ở đó có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Lãnh đạo huyện Tiên Du cũng cam kết không để xảy ra tình trạng hát chầu văn, hát nhạc trẻ, nhạc không phải Quan họ trong lễ hội. Đồng thời, chính quyền cũng chỉ đạo nghiêm cấm tình trạng “liền anh, liền chị ngả nón xin tiền”.
Năm 2016 là bước sang năm thứ 7 Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để Quan họ trường tồn trong đời sống, trong khi chờ kế hoạch ở tầm chiến lược, từ năm 2013 địa phương đã có chủ trương, chính sách đãi ngộ nghệ nhân Quan họ. Sở VHTT&DL Bắc Ninh cho hay, hiện địa phương đang còn lưu giữ 44 làng Quan họ cổ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền nhận định, nét đặc trưng và cũng là điểm khác biệt ở Quan họ là những nhóm kết nghĩa ở các làng tạo nên một địa đồ văn hóa kỳ vĩ kết nối các làng Quan họ. Ngày xưa gọi là làng Quan họ, tức là làng có những nhóm đi kết nghĩa và hát với nhau. Và khi đã kết nghĩa thì người trong các nhóm Quan họ không bao giờ lấy nhau. Và cũng chính vì không lấy nhau nên tình cảm luyến ái ấy chuyển hết vào những giai điệu Quan họ, vào nghệ thuật âm nhạc.
Người Quan họ có nhiều cách sáng tạo, trình diễn dễ đi vào lòng người. Và trên tất cả, tính nhân văn đằng sau mỗi câu hát là cử chỉ, là sự giao tiếp để người ta đối đãi với nhau tốt hơn. Có lẽ đó mới chính là lý do Quan họ trở thành biểu tượng của vùng Kinh Bắc.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã và đang triển khai Dự án sưu tầm Quan họ cổ với kinh phí lên tới 800 triệu đồng nhằm gìn giữ và tuyên truyền những bài bản, giọng điệu Quan họ cổ, những phong tục tập quán tốt đẹp trong lề lối sinh hoạt Quan họ. Đây là những nỗ lực trong việc thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh.