Cho tròn chữ Hiếu
Mừng thọ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với người cao tuổi thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân hoặc vào đúng ngày sinh.
Thời xưa, ngoài 50 tuổi là đã được tổ chức lễ mừng thọ. Tuy nhiên, ngày nay do xã hội phát triển, mặt bằng dân sinh, dân trí cao, tuổi thọ con người được kéo dài hơn nên thường lễ mừng thọ chỉ được tổ chức vào các năm 70, 80, 90 tuổi…
Bây giờ tục mừng thọ diễn ra ở khắp mọi nơi từ các làng xã, huyện thị ngoại thành cho đến cả các thành phố. Không những thế, vài năm gần đây mừng thọ đã trở nên phổ biến rộng khắp. Trong những ngày đầu xuân này ta vẫn thường thấy các lễ mừng thọ ở ngay trong các khu dân cư, tổ dân phố, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ...
Phong tục mừng thọ này đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt cần được duy trì. Không chỉ thế nét đẹp và ý nghĩa của các lễ mừng thọ đang được tổ chức tưng bừng ở nhiều nơi còn là một tín hiệu đáng mừng “khi quốc thái dân an”. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi được gia đình, con cháu và xã hội quan tâm. Còn con cháu cũng tự hào hơn vì ông bà, bố mẹ và truyền thống của gia đình mình trong mỗi khi có cơ hội được tỏ bày lòng thành với ước nguyện được làm tròn chữ hiếu.
Nghi thức tổ chức các lễ mừng thọ khác nhau thuỳ theo mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Song, chung quy lại thì có lẽ món quà quý giá nhất giành tặng cho người cao tuổi vẫn chính là sự hiếu thảo, thành đạt của con cháu trong mỗi gia đình.
Tuy nhiên ở vài nơi vẫn còn có những hiện tượng các lễ mừng thọ được tổ chức một cách rườm rà, thái quá, nặng nề về nghi thức ăn uống, chúc tụng. Thậm chí có những nơi đã có không ít người tổ chức mừng thọ rùm beng, quá đà và phô trương đã để lại những hình ảnh chưa đẹp khiến cho nhiều người đã nghĩ sai về phong tục mừng thọ.
Vì vậy để tục lệ mừng thọ giữ được ý nghĩa và nét đẹp văn hoá vốn có của nó cũng rất cần sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương. Có như vậy thì các lễ mừng thọ mới thực sự thể hiện được đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc sinh thành của mỗi người, mỗi gia đình. Khi ấy chữ “thọ” mới thực sự trở thành 1 trong ngũ phúc lâm môn “phúc-lộc-thọ-khang-ninh” mà tất cả chúng ta đều mong muốn.