Chú trọng chất lượng thanh niên nhập ngũ
Năm nay, TP Hà Nội tuyển chọn được trên 4.000 công dân đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ. Trong đó, có gần 2.000 thanh niên tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Đặc biệt, nhiều thanh niên là có bằng cử nhân, cán bộ công chức... có thành tích cao trong các hoạt động tại địa phương cũng hăng hái tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ.
Tòng quân là nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, năm 2016 được xác định là năm đột phá về chất lượng tuyển quân theo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật Nghĩa vụ quân sự có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như: Đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ, thời hạn phục vụ tại ngũ cũng có thay đổi...
Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho ngày giao nhận quân diễn ra đồng loạt ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn vào sáng 23/2 tới.
Nhằm động viên các thanh niên chuẩn bị lên đượng nhập ngũ, sáng 17/2, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Gặp mặt thanh niên tình nguyện tiêu biểu lên đường nhập ngũ năm 2016” và trao giấy chứng nhận, tặng quà lưu niệm cho 444 gương thanh niên tiêu biểu.
Năm nay, TP Hà Nội tuyển chọn được trên 4.000 công dân đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ. Trong đó, có gần 2.000 thanh niên tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Đặc biệt, nhiều thanh niên là có bằng cử nhân, cán bộ công chức... có thành tích cao trong các hoạt động tại địa phương cũng hăng hái tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ.
Ở Quân khu 2, trước khi bước vào đợt tuyển quân năm 2016, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cũng chỉ đạo rất chặt chẽ việc nâng cao chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở, đặc biệt ở các tỉnh vùng cao, các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn tại nhiều địa phương khác trên cả nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân khu rất quan tâm, chỉ đạo các cấp chú trọng tuyển chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, có độ tin cậy chính trị cao để tuyển chọn vào quân đội.
Trong số này, những quân nhân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay có tay nghề kỹ thuật, sau khi huấn luyện xong sẽ được tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng hoặc cử đi đào tạo trở thành sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự để phục vụ lâu dài trong quân đội. Khi xuất ngũ, họ sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn, việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện.
Theo thông tin từ Phòng Quân lực các quân khu, cùng với việc tuyển quân, hầu hết các địa phương đều có những chính sách hậu phương quân đội chu đáo. Nhiều địa phương triển khai chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho gia đình quân nhân khó khăn, miễn học phí cho con hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ; tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ về địa phương…
Theo kế hoạch, trước ngày các công dân lên đường nhập ngũ, 100% các địa phương đều sẽ tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, hội trại tạo khí thế sôi nổi, khích lệ động viên thanh niên phấn chấn lên đường làm nhiệm vụ.
Nhiều địa phương đã thực hiện các chính sách, như: Tổ chức tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình nghèo, gia đình chính sách, vận động các doanh nghiệp tặng quà cho thanh niên nhập ngũ. Tiêu biểu là các địa phương thuộc Quân khu 3, Quân khu 7, TP Hà Nội…
Đến thời điểm này, các đơn vị nhận quân cũng đã hoàn tất việc thống nhất với địa phương về chỉ tiêu tuyển quân, chốt quân số, phối hợp với địa phương tổ chức lễ giao nhận quân.