Kiểm định chất lượng giáo dục: Cải thiện vị thế quốc gia
Đầu tháng 2/2016, Bộ GD&ĐT đã cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Đà Nẵng). Cùng với đó cũng có 3 trung tâm đang hoạt động song song làm nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục. Những Trung tâm này ra đời, không vì mục tiêu nào khác là nâng tầm vị thế, chất lượng của trường ĐH, cải thiện thứ hạng của quốc gia trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa.
Giáo dục đại học trong thời kỳ hội nhập
Theo nhiều chuyên gia khẳng định, thứ hạng của các trường ĐH trên các bảng xếp hạng thế giới đã phần nào thể hiện vị thế của mỗi quốc gia. Đồng thời, nhiều quốc gia đã và đang tìm hiểu biện pháp để cải thiện thứ hạng của mình trên các bảng xếp hạng trường ĐH. Kiểm định chất lượng và xếp hạng đã trở thành vẫn đề không của riêng giáo dục mỗi trường ĐH mà đã trở thành vấn đề của mỗi quốc gia.
Khẳng định điều này, ông Đinh Tuấn Dũng- Trung tâm đào tạo tiên tiến, chất lượng cao và POHE (ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ: Giáo dục ĐH trong thời kỳ hội nhập quốc tế, lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia chủ yếu được xây dựng trên cơ sở chất lượng giáo dục. Đón trước thời cơ và vận hội mới, nhiều trường ĐH đã và đang tìm cho mình con đường để tồn tại và phát triển. Một trong những con đường đó là con đường củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng có ý nghĩa tương tự, việc xếp hạng các trường ĐH cũng có tác động ngày càng mạnh mẽ đối với các trường ĐH, cũng như với từng quốc gia. Việc một trường ĐH có thứ hạng cao hay thấp trên một số bảng xếp hạng là điều quan tâm của hầu hết các nhà quản lý giáo dục. Việc các quốc gia có trường ĐH được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới đã không còn là mục tiêu của mỗi trường ĐH mà là mục tiêu của nhiều quốc gia…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của từng trường, biện pháp được các trường áp dụng chủ yếu là sử dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và tiến hành kiểm định chất lượng trường ĐH.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng các trường
Sau nhiều năm triển khai, đến nay Bộ GD&ĐT đã cấp phép hoạt động cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐHQG TP HCM, và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Các trung tâm kiểm định này đều có phạm vi hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục như nhau: Kiểm định các các cơ sở giáo dục (ĐH, học viện, trường ĐH, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp); các chương trình đào tạo (trình độ trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) trong hệ thống giáo dục quốc dân trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Minh Khôi- Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng GD&ĐT (Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng) khẳng định: Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học.
Đồng tình quan điểm, ông Đinh Tuấn Dũng nói: Kiểm định chất lượng chương trình giúp đánh giá đúng việc đáp ứng nhu cầu xã hội của mỗi ngành đào tạo. Đồng thời, kiểm định chất lượng cũng sẽ giúp nhà trường đánh giá chính xác thực trạng chất lượng đào tạo của mỗi ngành đào tạo. Cũng như giúp các trường hội nhập sâu rộng với giáo dục ĐH thế giới…
Có thể khẳng định, trong quá trình hội nhập, giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài quá trình đào tạo nhân lực mà không có kiểm định giáo dục ĐH theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Nhĩ- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, đến thời điểm hiện nay vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục tại Việt Nam vẫn chưa được coi trọng.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra góp ý: Đầu tiên cần thành lập mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường; Tiếp theo, trong các tổ chức kiểm định độc lập cần có các bộ phận chuyên ngành để tiến hành kiểm định các ngành thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật…; phải có chiến lược phát triển trong lĩnh vực kiểm định chất lượng chương trình giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế; tạo mối liên kết giữa các cơ quan kiểm định chất lượng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục; tiến hành công bố xếp hạng các chương trình vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm để xã hội có cái nhìn toàn diện, khách quan về thứ hạng, chất lượng của các chương trình đào tạo, các trường ĐH…