'Nói Xuân Diệu là nhà thơ, nhà thơ lớn - đúng nhưng chưa đủ'
Đó là nhận định của PGS.TS Biện Minh Điền (khoa Sư phạm Ngữ văn - Trường Đại học Vinh) trong đề dẫn tại Hội thảo khoa học “Xuân Diệu – Tác gia và di sản văn học”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1906 - 2/2/2016) được tổ chức tại Hà Tĩnh vào sáng 20/2.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Hội Nhà văn rất khao khát có một
nhà tưởng niệm Xuân Diệu tại số 24 Cột Cờ - Hà Nội”.
Hội thảo nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp lớn lao của Xuân Diệu cho nền văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản Xuân Diệu để lại. 43 tham luận gửi đến hội thảo đã nhìn Xuân Diệu một cách toàn diện, đầy đủ hơn.
“Ngoài tư cách nhà thơ, ông còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình, dịch thuật thực sự uyên bác, năng động và tài hoa…Tác gia Xuân Diệu và khối di sản văn chương mà ông để lại, dẫu rằng đã từng được tìm hiểu, nghiên cứu song còn nhiều điều đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục khám phá. Xuân Diệu có đủ tư cách của một nghệ sỹ lớn, có đủ sức vóc và khả năng đồng hành cùng chúng ta về tương lai…”, PGS.TS Biện Minh Điền nhấn mạnh.
Chọn cái “tôi” trong thơ Xuân Diệu trong phong trào thơ mới để khai thác, nhà văn Đức Ban đã tìm ra một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển, như là kết quả của sự phát triển mang tính tất yếu của văn hóa – lịch sử. Theo nhà văn Đức Ban, thơ Xuân Diệu dành trọn lãnh địa cho cái “tôi”; là cái “tôi” của xã hội hiện đại, thấm nhuần tư tưởng phương Tây (“Muốn tắt nắng đi/Cho màu đừng nhạt mất/Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi” – Vội vàng); một cái “tôi” đầy bản ngã.
“Cái “tôi” trong thơ Xuân Diệu với vai trò chủ thể phát ngôn là sự khơi sâu, mở rộng đường biên tư duy sáng tạo thi ca…Xuân Diệu là người sớm có ý thức về cái “tôi” và trình diện cái “tôi” một cách đàng hoàng, mãnh liệt nhất”, nhà văn Đức Ban khẳng định.
Xuân Diệu được biết đến là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), một nhà khảo cứu – phê bình văn học tài danh, một dịch giả, Xuân Diệu còn là một nhà báo tài năng. Nhà thơ Phạm Đình Ân đã khẳng định “Xuân Diệu, người anh cả của báo chí văn nghệ hiện đại Việt Nam”. Khi là cộng tác viên, khi là biên tập viên và thư ký tòa soạn, Xuân Diệu đã gắn bó mật thiết suốt nửa thế kỷ với nhiều báo, tạp chí.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Phạm Đình Ân, hiện nay có rất ít bài báo, tiểu luận trọn vẹn đề cập hoạt động báo chí của Xuân Diệu.
10 tham luận trực tiếp trong tổng số 43 tham luận xung quanh Hội thảo khoa học Xuân Diệu – Tác gia và di sản văn hóa - đã góp phần kiến tạo thêm những giá trị mà nhà thơ đã đóng góp cho nền văn học, nền văn hóa nước nhà. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng nhận định việc lưu giữ và phát huy giá trị của Xuân Diệu trong đời sống hiện tại chưa tương xứng với đóng góp của ông.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. “Hội Nhà văn rất khao khát có một nhà tưởng niệm Xuân Diệu tại số 24 Cột Cờ - Hà Nội. Chúng ta có thể xây dựng nhà tưởng niệm Xuân Diệu ở rất nhiều nơi nhưng tại sao lại không xây nhà tưởng niệm tại 24 Cột Cờ khi ông đã nói: “Nhà tôi 24 Cột Cờ, ai thương thì đến, ai hững hờ thì qua”. Làm sao chúng ta xây dựng được một địa chỉ văn hóa không chỉ của Hà Tĩnh mà của cả nước sẽ thu hút được sự chú ý của khách du lịch của cả trong và ngoài nước”.