Xây nhà xưởng trái phép trên hành lang thoát lũ

Đức Sơn 21/02/2016 06:20

Mặc dù không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhưng doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều do ông Thiều Khắc Điệp làm giám đốc lại ngang nhiên xây dựng hệ thống nhà xưởng, nhà cửa kiên cố trên hành lang thoát lũ sông Đà thuộc địa bàn khu 6, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vi phạm Luật Đê điều.

Mặc dù xây dựng không phép vi phạm hành lang thoát lũ sông Đà nhưng nhiều
năm nay, hệ thống nhà xưởng, nhà điều hành của doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều
vẫn không bị xử lý, phá bỏ

Sự việc đã bị ngành chức năng địa phương và đơn vị quản lý đê điều phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều năm nay hệ thống công trình không phép của doanh nghiệp này vẫn sừng sững như thách thức.

Ngang nhiên xây dựng

Để phục vụ mục đích kinh doanh, ông Thiều Khắc Điệp đã đầu tư xây dựng dự án bến bãi bốc xếp hàng hóa trên diện tích hơn 9.000 m2 ở ngoài tuyến đê ở khu 6, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy. Để thực hiện dự án này, doanh nghiệp Xuân Thiều đã thuê đất của UBND tỉnh Phú Thọ, đền bù phần đất nông nghiệp cho một số hộ dân để chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau khi có đất, doanh nghiệp này ngang nhiên xây dựng hệ thống nhà xưởng, nhà ở kiên cố rộng hơn 350 m2 khi chưa được cơ quan nào cấp phép xây dựng, vi phạm Luật Đê điều, vi phạm hành lang thoát lũ.

Khi phát hiện sai phạm, Hạt Quản lý đê Tam Thanh, thuộc Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ liên tục lập biên bản vi phạm đối với hành vi xây dựng không phép của doanh nghiệp này.

Theo biên bản làm việc giữa Hạt Quản lý đê Tam Thanh và ngành chức năng của huyện Thanh Thủy và xã Thạch Đồng lập ngày 10/4/2014 kết luận: Doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều tiến hành xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án bãi bốc xếp hàng hóa tại địa bàn xã Thạch Đồng, dự án đã được UBND huyện Thanh Thủy chấp thuận.

Theo quy định của Luật Đê điều, các hạng mục xây dựng trong dự án phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền mới được xây dựng. Từ khi xây dựng các hạng mục của dự án phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy, Hạt Quản lý đê Tam Thanh và UBND xã Thạch Đồng đã tiến hành làm việc với công ty, lập biên bản nhiều lần, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp phép theo quy định, xong cho đến nay doanh nghiệp vẫn chưa làm xong.

Sau đó, Hạt Quản lý đê Tam Thanh liên tục đôn đốc doanh nghiệp Xuân Thiều khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình của dự án…nếu sau thời gian ấn định, doanh nghiệp không thực hiện đề nghị UBND huyện tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, “điếc không sợ súng” doanh nghiệp này vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình và đưa vào sản xuất, kinh doanh, bất chấp sự an nguy của hệ thống đê điều và hành lang thoát lũ sông Đà.

Ngạc nhiên hơn, mặc dù công trình xây dựng không phép vi phạm Luật Đê điều của doanh nghiệp Xuân Thiều đã đưa vào sử dụng đã lâu nhưng chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc xử lý, xử phạt.

Theo quan sát của phóng viên, ngay sát mép sông Đà là hệ thống bến bãi nhà xưởng kiên cố xây dựng san sát nhau. Trong khuôn viên kho bãi, doanh nghiệp này là các bãi cát sỏi, vật liệu xây dựng chất cao như núi ngay trên hành lang thoát lũ. Với hiện trạng xây dựng như hiện nay của doanh nghiệp Xuân Thiều, nếu xảy ra lũ lớn thì chắc chắn sẽ gây cản trở lớn đến việc thoát lũ sông Đà và sự an nguy của hệ thống đê điều.

“Doanh nghiệp Xuân Thiều hiên ngang vi phạm pháp luật mà không bị xử lý trong khi đó người dân chúng tôi chỉ cần xây dựng hoặc xâm phạm nhỏ trên bãi sông là ngay lập tức các lực lượng chức năng địa phương xuống lập biên bản và cưỡng chế. Đề nghị ngành chức năng xử nghiêm và tháo dỡ các công trình vi phạm để trả lại sự thông thoáng của hành lang thoát lũ và trả lại sự nghiêm minh của pháp luật…” - anh Huy- một người dân xã Thạch Đồng bức xúc cho biết.

Mặt khác, hàng ngày có hàng trăm xe quá khổ, quá tải rầm rập đua nhau ra vào “ăn” cát sỏi và vận chuyển đi tiêu thụ khiến các con đường xuống cấp nhanh chóng, khói bụi cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Bao giờ mới xử lý?

Theo quy định của Luật Đê điều, các công trình xây dựng trên khu vực bãi sông, liên quan đến hành lang thoát lũ nếu không phải vì mục đích bảo vệ đê điều, giao thông thủy lợi hay an ninh quốc phòng thì UBND tỉnh phải trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, cuối cùng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng không hiểu sao năm 2011, UBND huyện Thanh Thủy lại ban hành quyết định số 1562 cho phép doanh nghiệp Xuân Thiều được quyền điều chỉnh quy mô xây dựng của dự án gồm việc xây dựng nhà xưởng trên hành lang thoát lũ.

Trao đối với phóng viên về hành vi vi phạm của doanh nghiệp Xuân Thiều, ông Nguyễn Hùng Sơn- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ xác nhận, nhà cửa của doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều xây dựng trên hành lang thoát lũ sông Đà chưa được cấp phép xây dựng. Nói về hướng giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh, đã vi phạm thì phải phá bỏ các công trình vi phạm.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, việc xử lý vụ việc phải là chính quyền cấp huyện và xã xử lý chứ Chi cục Đê điều không có thẩm quyền đi cưỡng chế các công trình vi phạm Đê điều của doanh nghiệp Xuân Thiều được. Sắp tới Chi cục sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc các ngành chức năng địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Thiều Khắc Điệp-Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều là em trai ruột của một cán bộ cao cấp của UBND tỉnh Phú Thọ. Thời điểm doanh nghiệp của ông Thiều Khắc Điệp xin cấp phép chủ trương chấp thuận dự án thì anh trai của ông Điệp đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy.

Ngoài ra, Theo thống kê của các ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn huyện Thanh Thủy có khoảng 20 đơn vị, tổ chức thực hiện khai thác, kinh doanh bến bãi và đa phần đều vi phạm luật Đê điều và quy định về hành lang thoát lũ.

Vì sao doanh nghiệp tư nhân Xuân Thiều xây dựng công trình kiên cố không phép xâm phạm hành lang thoát lũ sông Đà không bị xử lý? Đề nghị ngành chức năng tỉnh Phú Thọ sớm vào cuộc và có biện pháp mạnh để xử lý.

Đức Sơn