Chuyện về tấm bia đẹp nhất nước Nam
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (1420 - 1496) – người được xem là đã có công làm rạng danh 3 đời vua thời hậu Lê, đặc biệt là đức Lê Thánh Tông – vị vua đã đưa đất nước vào thời kỳ phát triển thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước Nam. Ngày nay, trong dân gian vùng Thanh Hóa vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện mang đậm chất huyền sử xung quanh bậc Mẫu nghi thiên hạ này.
Bia Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.
Đượm màu huyền sử
Sử sách xưa chép lại: Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ở làng Đồng Phang (nay thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định), trong một gia đình đại tộc, cha bà là Vương Dụ Ngô Từ, một vị khai quốc công thần đã theo Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh từ những ngày đầu.
Năm 16 tuổi, bà theo chị gái vào hầu vua Lê Thái Tông ở hậu cung, được nhà vua sủng ái, phong sắc Tiệp dư ở cung Khánh Phương, lúc đó bà 18 tuổi. Theo các cụ cao niên xã Định Hòa kể lại: Có rất nhiều truyền miệng những giai thoại đẹp, mang tính giáo dục rất cao về bà. Lúc thân mẫu của bà đang mang thai mộng thấy tiên từ cung trăng xuống rồi vào trong nhà, tỉnh dậy bà sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao. Khi bà sinh ra, trong nhà có mùi thơm lạ, ngoài sân có tiếng nhạc, âm luật khác thường như nhạc tiên. Đến khi lớn lên, theo người nhà đi làm việc ngoài đồng, thường có 5 sắc mây che trên đầu bà, trẻ nhỏ thường chạy theo để được mát lây. Có người biết vậy nên nói “Gái ấy đáng là mẹ của thiên hạ”.
Sau khi vào cung, lúc sắp sinh bà Ngọc Dao mơ thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con trai bà, tiên đồng ấy dùng dằng không chịu đi ngay, Thượng đế giận cầm cái hốt ngọc đánh vào trán tiên đồng chảy máu. Bà giật mình tỉnh giấc sinh ra Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông), khi sinh ra trên trán Vua có 1 vết sẹo giống như đã thấy trong giấc mộng.
Ông Ngô Anh Trâm (70 tuổi), hậu duệ đời thứ 20 của bà Ngô Thị Ngọc Dao, nguyên là bác sỹ quân đội, người đã dày công nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu và những truyền miệng trong dân gian về bà cho biết: Hoàng Thái Hậu sinh ra sẵn có chất ngọc thuần hòa, sống đôn hậu, thường xuyên giúp đỡ mọi người, nghiêm mà không ác, giản dị mà trang nhã lịch sự, luôn dạy bảo những điều hay ý đẹp, trong cung đình kẻ sang, người hèn đều gọi bà là Phật sống. Công lao lớn nhất đối với xã tắc là đã nuôi dưỡng, dạy bảo nhà vua từ bé đến lớn, lo xa tính rộng, khiến cho cội gốc nước nhà vững chắc, phát triển thịnh vượng.
Tuy nhiên, bà cũng chịu không ít sóng gió, thị phi, nhiều lần suýt mất mạng do cảnh triều đình nhiễu nhương, ganh tị tìm cách mưu hại. May có sự đùm bọc, che chở của vợ chồng quan Hành Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Năm 1460, sau nhiều loạn lạc, mẹ con bà được các quan đại thần đưa về cung, tôn Lê Tư Thành lên làm vua (Vua Lê Thánh Tông), bà trở thành Hoàng Thái Hậu.
Về già, dù tuổi cao nhưng tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc đẹp như người ngoài 40 niên. Bà mất trong một lần về thăm Đồng Phang, thọ 76 tuổi, ở ngôi Hoàng Thái Hậu được 37 năm. Bà xứng đáng ngôi vị hàng đầu các vị Hoàng Hậu nước Đại Việt, đức sánh trời đất, công lao rạng rỡ 3 vua: đối với Thái Tông thì có công chăm lo giúp đỡ, với Thánh Tông thì có công sinh dưỡng cù lao, đối với Hiến Tông tận tình mến thương. Khi bà mất, 5 ngày sau mới khâm liệm, đúng giữa mùa nóng nhưng tuyệt nhiên không có mùi hôi.
“Hiện chúng tôi mới sưu tầm được 12 sắc phong nộp lên trên tỉnh nhân dịp công nhân tích tích cấp tỉnh” – ông Trâm cho biết.
Điện Thừa Hoa – tương truyền là nơi nghỉ dưỡng của vua Lê Thánh Tông
Trường tồn với thời gian
Sau khi mất bà được đưa về an táng tại khu Sơn Lăng (Lam Kinh), phía Đông khu di tích Lam Kinh. Ngoài việc xây lăng, đắp mộ, còn dựng cả một tấm bia lớn để ghi lại lai lịch, công đức của người yên nghỉ trong lăng. Bia Quang thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao làm bằng đá màu xanh nguyên khối, nhẵn bóng, chiều cao 2,80m, rộng 1,92m dày 0,27m được đặt trên lưng rùa bằng đá dài 2,75m, nặng khoảng 13 tấn.
Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh khẳng định: Giá trị tiêu biểu của Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao là nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh - nghệ thuật thời Lê Sơ. Một mặt nó kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý, Trần. Mặt khác do sự thay đổi hoàn cảnh của xã hội thời Lê Sơ, nên ở Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mang một phong cách riêng biệt, là tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật kiến trúc cung đình, biểu hiện rõ nét uy quyền trên các đường nét trang trí.
Điều đặc biệt, mặt sau văn bia khắc một bài minh và có tới 36 bài thơ xướng họa của các quần thần khắc trên bia. Chính những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc nhất vô nhị về tấm bia cũng như công lao to lớn của bà, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bia Quang thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao là Bảo vật Quốc gia.
Nói về tấm bia Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao, Tiến sỹ Sử học Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa cho biết thêm: Bia Quang thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được các nhà nghiên cứu Văn hóa đánh giá là một tấm bia lớn, độc đáo tiêu biểu đại diện cho người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Đây chính là tài liệu vô cùng quý giá, vì được ghi ngay sự kiện xảy ra mà không hề sao chép, có giá trị góp phần bổ sung vào chính sử.
Trải qua gần 600 năm với bao dâu bể, đổi thay, bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao vẫn đứng sừng sững, là một trong những tấm bia đẹp nhất Việt Nam về mỹ thuật và kỹ thuật, nội dung văn bia có nhiều giá trị về Lịch sử - Văn hóa.