Chung cư cũ Hà Nội: Cũ vẫn hoàn cũ

Hà - Phương 21/02/2016 12:35

Sống trong nhà mình mà lúc nào cũng có cảm giác nơm nớp lo sợ là tâm trạng chung của nhiều cư dân tại các khu tập thể, chung cư cũ ở các đô thị, trong đó có Hà Nội.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng thực tế thì mọi sự dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Nhiều người dân kỳ vọng sau Chỉ thị này của Chính phủ, số phận các chung cư cũ sẽ “lột xác”?

Hàng ngàn căn hộ xuống cấp trầm trọng

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu m2 mặt sàn các khu chung cư cũ, được xây dựng trước năm 1991, là nơi sinh sống của hơn 100.000 hộ gia đình. Đáng lo ngại là nhiều công trình trong số đó đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng xuống cấp gây mất an toàn cho cư dân.

Tại Hà Nội, theo khảo sát gần đây nhất của Sở Xây dựng, thành phố hiện có 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980. Các công trình này tập trung ở 4 quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Quá trình sử dụng quá dài cộng với áp lực về diện tích ở và sự yếu kém về quản lý cùng với việc cải tạo, sửa chữa tùy tiện đã gây ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình. Thêm vào đó, hệ thống kỹ thuật cũ nát, các căn hộ tầng 1 ẩm thấp, môi trường sống kém…

Kết quả kiểm tra 1.467 chung cư cũ của cơ quan chức năng cũng chỉ ra rằng, không có chung cư nào được xếp loại 1 (loại A), 645 chung cư được xếp loại 2 (loại B), 522 chung cư xếp loại 3 (loại C) và 37 chung cư bị liệt vào loại 4 (loại D). Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức…

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo mức độ nguy hiểm của các chung cư cũ trên địa bàn. Điển hình trong đó là chung cư C8 Giảng Võ và E6 Thành Công có nhiều kết cấu bị lún lệch. Còn tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bêtông thì xuất hiện tại nhiều khu nhà như E6-E7 Quỳnh Mai; A-B Ngọc Khánh; B7-C1- E6-E9-G6A-G6B-G22 Thành Công; B1 Giảng Võ…

Giẫm chân tại chỗ

Bà Nguyễn Thị Minh, một cư dân sống ở khu tập thể Giảng Võ cho biết, bà cũng như nhiều người dân ở khu tập thể này lâu nay sống trong tâm trạng bất an vì lúc nào cũng lo nhà bở tường, nứt trần, và ăn cơm lẫn với vôi vữa. “Khu tập thể này đã quá xuống cấp, biểu hiện rõ ở tình trạng lún nghiêng, han rỉ cốt thép, nứt vỡ bêtông ở mức độ lớn”, bà Minh lo lắng.

Trên thực tế, việc cải tạo các chung cư cũ đã được cơ quan chức năng lên kế hoạch, rậm rịch cả chục năm nay. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, mà đến nay, kế hoạch, mục tiêu cải tạo hơn 1.500 tòa nhà chung cư cũ ở thủ đô vẫn đang ở giai đoạn… khởi động. Một trong những nguyên nhân được cho là gây tắc nghẽn nhất quá trình cải tạo chung cư cũ đó là sự thiếu cân bằng trong lợi ích của 3 bên: Nhà nước, người dân và chủ đầu tư. Theo TS Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, đây chính là nguyên nhân căn bản khiến cho mục tiêu cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội cũng như ở toàn quốc không có sự tiến triển.

Nhiều chủ đầu tư cũng than thở rằng, cải tạo chung cư cũ vướng mắc chính vẫn là ở cơ chế pháp lý, trong đó việc hạn chế chiều cao là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ đầu tư không mấy mặn mà với các dự án tái thiết chung cư cũ. Bởi theo họ, xây dựng các chung cư phải có độ cao trên 15 tầng thì DN may ra mới có lãi, trong khi các chung cư cũ thường nằm ở khu vực trung tâm thành phố bị khống chế về chiều cao, do đó, nhiều chủ đầu tư không … mặn mà.

Người dân ngóng đợi

Trước tiến độ “rùa bò” của kế hoạch tái thiết chung cư cũ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị. Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay tại các đô thị trên cả nước vẫn còn tồn tại nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Nhiều công trình đã bị hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, đồng thời nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn chịu lực, chủ động phòng tránh các sự cố và có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời đối với các nhà chung cư, các công trình xây dựng cũ, nguy hiểm tại khu vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, ban hành quy trình đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng; kiểm định an toàn chịu lực và chính sách xử lý đối với nhà ở, công trình công cộng, các công trình chuyên ngành khác bị hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực đối với các nhà chung cư, nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng và các công trình xây dựng khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị trên cả nước. Đề xuất bổ sung chính sách xử lý đối với các công trình thuộc diện phải phá dỡ.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình trên địa bàn, bao gồm nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị.

Với sự vào cuộc quyết liệt này của Chính phủ, dư luận kỳ vọng, mục tiêu cải tạo chung cư cũ sẽ được đẩy nhanh tiến độ để các cư dân sẽ không còn phải nơm nớp sống trong sợ hãi từ những căn nhà cũ nát.

Công khai kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa cho công bố công khai kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư ở 5 quận, huyện, trong đó có 39 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ C, 1 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ B, 2 tòa nhà nguy hiểm ở mức độ D - cần phải di dân trong thời gian tới.
Đồng thời UBND TP yêu cầu quận Ba Đình chỉ đạo các phường Ngọc Khánh, Thành Công và các tổ chức đoàn thể ở địa phương thông báo tới các chủ sở hữu, sử dụng đang cư trú tại nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) và nhà G6A Thành Công, phường Thành Công (đơn nguyên 2) là các nhà nguy hiểm mức độ D. Cũng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các đơn vị liên quan phải lắp đặt biển báo, rào chắn, chống đỡ những kết cấu nguy hiểm và xây dựng phương án đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Hà - Phương