Lễ hội đền Trần: Tưởng nhớ, tri ân
175 năm tồn tại, nhà Trần đã chứng tỏ là một triều đại thịnh trị trong lịch sử phong kiến Việt Nam; 3 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, gây dựng hào khí Đông A chói lọi…
Nhiều nghi thức văn hóa, tâm linh được
nhân dân tổ chức dịp đầu Xuân tưởng nhớ, tri ân công đức nhà Trần.
Vào những ngày đầu xuân này, dòng người thập phương nô nức hành hương về những địa chỉ được cho là quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần, hay những nơi vương triều này để lại những dấu ấn sâu đậm như Nam Định,Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ.
Tại lễ hội Đền Trần Nam Định những ngày qua, nhiều người trẻ đã có dịp hiểu rõ hơn xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều võ công văn trị bậc nhất này qua nghi lễ rước Nước và tế Cá do nhân dân địa phương tổ chức, tái hiện. Cũng tại đây, như thường lệ, nhân dân địa phương còn tổ chức nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần (nằm gần chùa). Đây là nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái tổ tiên và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu.
Đặc biệt là nghi lễ khai Ấn được nhân dân địa phương tổ chức đêm qua (14 tháng Giêng năm Bính Thân). Theo dân gian địa phương lưu truyền, đương thời, hằng năm vào dịp đầu Xuân, các Vua nhà Trần thường từ kinh thành Thăng Long về Phủ Thiên Trường- thái ấp của nhà Trần- thực hiện nghi lễ khai Ấn, ban thưởng cho quan, dân, cầu cho xã tắc bình an, thịnh vượng.
Việc này được người dân đời sau các làng quanh khu đền Trần, chùa Tháp (Tức Mạc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Vọc, Lốc, Kênh, Bái) tái hiện qua Lễ hội khai Ấn, tổ chức hằng năm vào dịp đầu Xuân. Mỗi khi đến hội, dân các làng này thường rước kiệu về đền Thiên Trường để làm lễ tế các vua Trần, sau đó dự lễ khai Ấn. Hòm Ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ, bên trong có 2 ấn thờ (con dấu). Trên mặt ấn có khắc các chữ “Trần Miếu” và “Trần triều tự điển” cùng hàng chữ nhỏ “tích phúc vô cương”. Lễ khai Ấn được thực hiện vào giờ Tý (23h15)- thời khắc được cho là “thiêng liêng, đất trời giao hòa” và được thực hiện bởi các cụ cao niên.
Xưa, lễ hội khai Ấn chỉ tổ chức ở quy mô cấp làng xã, khoảng 10 năm trở lại đây lễ hội này thu hút rất đông du khách trong và ngoài địa phương tham gia, năm nay cũng vậy. Phát biểu trong đêm thực hiện nghi lễ dâng hương, khai Ấn đại diện chính quyền TP.Nam Định bày tỏ sự tri ân công đức to lớn của vương triều Trần; thêm một lần nữa khẳng định Lễ khai Ấn Đền Trần là nghi lễ cổ truyền, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh cao đẹp, cần được gìn giữ, lưu truyền. Từ 5h30 sáng ngày 15 tháng Giêng, ban tổ chức lễ hội tổ chức phát lộc Ấn cho du khách thập phương và sẽ kéo dài đến hết lễ hội…
Cùng thời điểm này, tại huyện Hưng Hà (Thái Bình), nhân dân cũng có nhiều hoạt động, nghi lễ tri ân, công đức nhà Trần qua lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2016. Năm nay, lễ hội của địa phương càng ý nghĩa hơn khi huyện Hưng Hà tổ chức đón nhận quyết định “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”của Thủ tướng Chính phủ.
Vùng đất Long Hưng xưa, huyện Hưng Hà ngày nay được cho là quê hương của dòng họ Trần- đã dựng nghiệp đế vương, trải qua 14 đời vua và có 175 năm trị vì. Trong thời gian trị vì, nhà Trần đã chọn Thái Đường-Long Hưng để xây dựng tôn miếu, một số vị vua nhà Trần, hoàng hậu trọng thần trong hoàng tộc được an táng tại đây. Ngày 21-1 vừa qua, huyện Hưng Hà cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 790 năm ngày nhà Trần phát nghiệp đế vương với nhiều hoạt động văn hóa- tâm linh.