Hơn nửa thế kỷ canh giữ vườn cò

Bắc Vũ - Ha Na 22/02/2016 12:00

Vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà hiện nay trên các vùng quê nhiều người đã tìm mọi cách để săn bắn và bẫy các loài chim trời. Thế nhưng tại xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có gia đình anh Vũ Văn Ngân và chị  Phan Thị Ánh đã hơn nửa thế kỷ qua dày công bảo vệ, chăm sóc một vườn cò, tạo nên một trong những vườn chim sinh thái  nức tiếng ở xứ Nghệ.

Hơn nửa thế kỷ canh giữ vườn cò

Vườn cò ở Yên Thành, Nghệ An.

Khu vườn của gia đình anh Vũ Văn Ngân có diện tích rộng chỉ hơn 1ha, được trồng nhiều tre, cây lâm nghiệp và các loại cây ăn quả. Anh Ngân cho biết vào năm 1960 ông nội của anh là ông Vũ Văn An, một cán bộ lâm nghiệp ở huyện đã lên đây định cư theo chủ trương di dân, xây dựng vùng kinh tế mới.

Thời điểm đó vùng đất này còn hoang vu, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống rất ít. Nhưng sau một thời gian khai hoang phục hóa, nhiều loại cây được gia đình trồng lên xanh tốt, bởi thế môi trường thiên nhiên được phục hồi, từng đàn cò trắng kéo nhau về đây trú ngụ.

Khi ông An mất, vườn cò được giao lại cho hai bố con anh Vũ Văn Ngân. Mặc dù đã trải qua 3 thế hệ, với bao thăng trầm, nhưng càng ngày, cò về càng đông, có thời điểm lên tới 10 ngàn con, với đầy đủ cò nâu, cò trắng mỏ đen, cò trắng mỏ vàng... kể cả sáo sậu, chích chòe, chào mào, chim sẻ….

Để có được một vườn chim tự nhiên phong phú như ngày hôm nay là một quá trình vất vả đối với cả 3 thế hệ của gia đình anh Vũ Văn Ngân. Bởi gia đình phải thường xuyên có người ở nhà để canh chừng khu vườn, tránh bị đánh bẫy, săn và phá hoại, cùng đó còn phải làm vệ sinh khu vườn vì lượng chim quá lớn.

Anh Vũ Văn Ngân chia sẻ: “Cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng bạc màu nên thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Đã đôi lần, vợ chồng định bán một số cây lâu năm để kiếm ít tiền lúc túng thiếu, nhưng nhìn đàn chim lại không nỡ làm như vậy. Cũng có khi muốn đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng sợ khi đi rồi, vườn cò sẽ tan hoang bởi nhiều người vào vườn săn bắn, đành phải ở nhà để trông coi, nếu không giữ được vườn cò là có tội với tổ tiên, ông bà”.

Khu vườn của gia đình anh Ngân chủ yếu trồng tre, tràm, keo, bạch đàn...và để đàn cò có chỗ trú ngụ, gia đình lại trồng thêm nhiều cây để thay thế.Từ tháng 5 đến tháng 7 (âm lịch), nếu có dịp đến vườn cò, đứng ở một vị trí cao để quan sát khu vườn thì mới thấy rõ quy ước, sự phân chia gianh giới rõ ràng giữa các loài chim, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, tràn đầy sự sống. Vào những đêm hè trăng thanh, gió mát, cứ khoảng canh ba, cả vùng rộn rã tiếng chim gọi nhau đi kiếm ăn.

Đặc biệt, vào thời điểm cuối tháng 8 (âm lịch) cho đến tháng 2, tháng 3 năm sau, ngoài các loài chim nói trên còn có thêm nhiều loài chim khác như: sếu, chèo bẻo, vàng anh kéo nhau từng đàn về khu vườn này trú ẩn tránh rét.

Tiếng lành đồn xa, vườn cò của anh Ngân, chị Ánh đã vượt ra khỏi lũy tre làng, du khách gần xa trong cả nước cũng cất công tìm đến chiêm ngưỡng, nhiều trong số đó hỏi mua với giá tiền tỷ nhưng anh, chị vẫn không bán. Với gia đình anh vườn cò mà cha ông để lại là báu vật, là tài sản vô giá không thể nào đánh đổi được.

Tuy nhiên, anh Ngân – chị Ánh vẫn lo lắng là một ngày nào đó khu vườn của mình không còn tiếng vạc, tiếng cò… Anh hy vọng làm sao khoanh vùng, để bảo vệ đàn cò đang ngày một nhiều thêm. Gia đình cũng mong chính quyền và người dân sẽ tâm huyết, giữ gìn tự nhiên, để khu vườn mãi là chốn đi về của đàn cò và các loài chim, là điểm đến lý tưởng về thiên nhiên sinh thái của du khách khi về với quê lúa Yên Thành.

Bắc Vũ - Ha Na