Sau Tết, nhiều học sinh bỏ học... đi làm
Theo quy định sau kỳ nghỉ Tết, đúng ngày 15/2 (tức ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch) học sinh sẽ trở lại trường. Thế nhưng đến thời điểm này tại tỉnh Đắk Lắk, ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn nhiều em học sinh, vẫn chưa chịu đến lớp.
Cán bộ, giáo viên trường THCS Chu Văn An (xã Yang Tao, huyện Lắk)
trao đổi với phóng viên về việc vận động học sinh trở lại trường sau Tết.
Năm học 2014-2015, Trường THCS Chu Văn An (nằm trên địa bàn xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk) là trường có tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều nhất, cả huyện với 54 em nghỉ học. Phần lớn các em nghỉ học với nhiều lý do như: Không thích đi học, gia đình khó khăn, học lực kém, nghỉ học lấy vợ, lấy chồng…
Thầy Đậu Đức Liên-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Nhà trường đóng chân trên xã vùng 3 là một trong những xã khó khăn của huyện Lắk, với hơn 97% là người đồng bào dân tộc M’nông trong đó số học sinh của nhà trường có tới 97,5% là học sinh dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc chăm lo học hành cho các em của các gia đình chưa đến nơi đến chốn, cùng với đó một số em sau khi trốn học đi làm ở TP Hồ Chí Minh thường ra sức lôi kéo dụ dỗ nên nhiều em nghe và trốn đi theo. Khi nhà trường không thấy đi học đến vận động thì phụ huynh mới biết con mình bỏ học”.
Theo thông tin mới nhất, hiện nay nhà trường đã có trường hợp học sinh bỏ học đi TP HCM làm thuê. Cô Lê Thị Hợi, chủ nhiệm lớp 7B, Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ: “Ngày 15 và 16/2, sau khi thấy học trò không đến lớp sau nghỉ tết, tôi và 3 học trò đến nhà em H’Yuôr (buôn Biăp) để vận động gia đình cho H’Yuôr trở lại trường thế nhưng chị gái và mẹ H’Yuôr cho biết là em đã theo bạn đi làm thuê ở Sài Gòn 3 ngày nay rồi”.
Theo cô Hợi thì H’Yuôr là một học sinh ngoan, chăm chỉ học tập tuy gia đình còn khó khăn nhưng cha mẹ luôn động viên, tạo điều kiện để em tới trường. Thế có nhiều em lớn tuổi hơn lôi kéo đi làm thuê, khiến cho việc vận động các em trở lại đi học sau tết gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà H’Nhăm, cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em buôn Dơng Guôl (xã Yang Tao, hyện Lắk) cho biết: Năm nay, trong buôn có 4 em mới 13-14 tuổi đã bỏ học vào TP Hồ Chí Minh làm việc.
Em H’Linh, sinh năm 2002 ở buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao bị dụ dỗ bỏ học đi lao động ở TP Hồ Chí Minh vừa trở về kể: “Ngay trong những ngày Tết, có một người đến buôn dụ dỗ em và một số bạn trong buôn bỏ học vào TP Hồ Chí Minh làm việc tại các cơ sở may mặc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng họ bắt chúng em làm việc từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya mới được nghỉ. Do sức khỏe yếu, làm không nổi nữa nên em đã bỏ về. Giờ em về xin đi học lại”. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 100 em học sinh, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số bậc THCS bị dụ dỗ bỏ học đi lao động tại TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ bỏ học, trốn đi làm thuê mà nhiều học sinh ở đây sau Tết thường nghỉ học dài ngày không chịu đến trường là do mùa này trùng với mùa phát rẫy làm nương, nên các em thường theo cha mẹ lên rẫy, hoặc trốn học đi hái tiêu thuê, đi thăm thân anh em ở các vùng khác. Nhiều em đang đi học nhưng do đến tuổi nên các em lập gia đình và không đi học lại dù đã được thầy cô giáo thường xuyên động viên, giúp đỡ.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk, năm học 2014-2015, toàn huyện có 258 em học sinh bỏ học (trong đó: lý do không thích đi học 88 em; gia đình khó khăn không đi học là 51 em; học kém 49 em; lý do khác 54 em, còn 7 em không nộp hồ sơ đi học lớp 6). Trước tình trạng học sinh bỏ học bất thường đó thì trong năm học 2015-2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai nhiều biện pháp nắm bắt số lượng học sinh và nhanh chóng thực hiện vận động các em trở lại trường.
Ông Nguyễn Văn Ngọc-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk cho biết: “Toàn huyện có khoảng 67% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu phòng kiểm tra ngày 15/2 vừa qua, toàn huyện có 43 trường thì trung bình mỗi trường có 56 em chưa đến lớp”.