U Minh Thượng trở thành Khu Ramsar thứ 2228
Việt Nam mới đây đã đánh dấu tên những cánh rừng U Minh của mình trên bản đồ Ramsar thế giới.
Lễ trao Bằng công nhận khu Ramsar cho Vườn Quốc gia U Minh Thượng của Công Ước Ramsar - Công ước Quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước và công nhận các chức năng sinh thái nền tảng, các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của các sinh cảnh này được Bộ Tài Nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Kiên Giang và WWF - Việt Nam (WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới) tổ chức vào ngày 22/2.
Đồng cỏ ngập nước theo mùa. (Ảnh: Trần Văn Thắng)
Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng chính thức trở thành khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2228 của thế giới.
VQG U Minh Thượng được thành lập theo Quyết định số 49/2002/QĐ-UB ngày 08 tháng 07 năm 2002 của UBND tỉnh Kiên Giang trên cơ sở Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ, về việc chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thành Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Chim điên điển. (Ảnh: VQG U Minh Thượng)
Năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 1768/QĐ-VH ngày 28/6/1997.
Ngày 27/10/2006, U Minh Thượng được công nhận là một trong ba khu vực trọng yếu Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang.
Tháng 8/2012, VQG U Minh Thượng là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, đặc biệt đây là Vườn di sản ASEAN trên đất than bùn đầu tiên của khu vực.
Mới đây, ngày 30/4/2015, VQG U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.
Khỉ trên đường Hồ Hoa Mai. (Ảnh: Phạm Quốc Dân)
Trở thành một khu Ramsar Quốc tế, VQG U Minh Thượng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đặc biệt của mình ra cộng đồng thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước trong tương lai.
Cùng với VQG U Minh Thượng, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã thành công trong việc đề cử các VQG Tràm Chim, VQG Cà Mau, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen ở Đồng bằng sông Cửu Long với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam.