Cần công khai tài sản các ứng viên

Hoài Vũ 23/02/2016 06:10

Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, Chính phủ đã yêu cầu kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần công khai tài sản để cử tri biết.

Kê khai nhưng phải công khai

Cần công khai tài sản các ứng viên

Ông Lê Văn Cuông.

Ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, kê khai tài sản cán bộ, công chức theo Luật Phòng, chống tham nhũng lâu nay vẫn mang tính hình thức nên cần phải quy định cụ thể hơn nữa. Còn đối với người tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND là những người chọn lọc tiêu biểu, số lượng đông nên nhân dịp này cũng là tấm gương kê khai tài sản để tạo niềm tin cho cử tri.

Vì vậy các cấp có thẩm quyền, Hội đồng bầu cử có quy định, hướng dẫn kê khai và công khai tài sản để cử tri và nhân dân biết và giám sát.

Nếu cử tri thấy chưa minh bạch rõ ràng thì kiến nghị với tổ chức bầu cử để xác minh, sau đó có kết luận thông báo cho cử tri biết để cho cử tri có căn cứ bầu chọn chuẩn xác.

“Công khai và có ý kiến giám sát của cử tri để chọn lựa bầu là giải pháp thiết thực. Còn không nếu kê khai không chuẩn xác cũng là bước để chặn lại ngay từ lúc đang là ứng cử viên, tránh tình trạng bầu tù mù, về sau giải quyết hậu quả cũng phức tạp” - ông Cuông bày tỏ.

Nhận định về kiểm soát tài sản thu nhập thông qua tài khoản trong thời gian qua, ông Cuông cho rằng, tài khoản cũng chỉ là hình thức, bởi cán bộ công chức và người dân vẫn chủ yếu dùng tiền mặt. Biện pháp lâu dài mà chúng ta hướng đến là phải kiểm soát được toàn bộ tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, trong đó công cụ kiểm soát là thông qua tài khoản. Các nước tiên tiến thực hiện rất tốt điều này để phòng chống tham nhũng, rửa tiền.

Trong khi ở nước ta, hiện vẫn chưa xây dựng được đề án, quy định về kiểm soát thu nhập. Hiện các cơ quan đã thực hiện trả lương qua tài khoản, nhưng lương chỉ chiếm phần nhỏ thu nhập. Nhiều khoản khác không kiểm soát được. Biện pháp tốt nhất theo ông Cuông là kiểm soát thu nhập qua tài khoản, hạn chế tối đa dùng tiền mặt thì mới góp phần ngăn chặn được tham nhũng.

Giàu chính đáng… dân sẽ tin

Cần công khai tài sản các ứng viên - 1

PGS. TS Đặng Ngọc Dinh.

Đồng tình với việc kê khai nhưng phải công khai tài sản cho cử tri biết, PGS. TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng đặt vấn đề: “Kê khai có công bố để cho người ta biết không? nếu không công bố thì chẳng có nghĩa lý gì”.

Cũng theo ông Dinh, bầu cử là do cử tri tín nhiệm, có những cái quan trọng cần phải làm trước kê khai đó là người được giới thiệu, người tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND phải trao đổi với cử tri khi tôi vào tôi làm cái gì? để cho cử tri nhìn thấy mặt được của các ứng viên; lúc đó cử tri mới biết nên bầu ai.

Ví dụ người ta có tiền mà trao đổi với cử tri giải đáp được tiền đó có được ở đâu? nguồn thu nhập như thế nào? Để cử tri thấy được ứng viên đó tài năng, tài sản có được là do sự lao động sang tạo, chính đáng. Cử tri sẽ tin và sẽ bầu.

Nhận định về việc kiểm soát thu nhập qua tài khoản, ông Dinh cho rằng chưa khả thi vì cả thói quen và chúng ta chưa có luật điều chỉnh vấn đề này.

Theo ông Dinh, muốn thay đổi thói quen đó cũng cần có thời gia và quy phạm pháp luật.

Vì vậy, trước hết cần tổ chức để cho cử tri được được tham gia nghe, thảo luận, chất vấn các ứng viên về không chỉ chương trình hành động, cam kết chính trị mà còn cả về bản kê khai tài sản.

Tăng trách nhiệm giải trình cuả các ứng viên khi gặp phải câu hỏi tài sản có được từ đâu? Nếu giải trình được tài sản hình thành từ lao động chính đáng, cử tri sẽ tin và sẽ bầu.

Hoài Vũ