Vào đại học bằng bài luận, thư giới thiệu

Thu Hương 23/02/2016 09:05

Dành 10% chỉ tiêu mỗi ngành cho đối tượng tuyển thẳng là học sinh của 82 trường THPT chuyên và năng khiếu trên toàn quốc, đi kèm với đó là một bài luận và thư giới thiệu của giáo viên - cách làm mới mà không mới của trường ĐHQG TP HCM đang nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. 

Vào đại học bằng bài luận, thư giới thiệu

Ảnh minh họa.

Vì sao chọn ngành học này?

Theo TS Nguyễn Quốc Chính- Trưởng ban Đào tạo của ĐHQG TP HCM cho biết, kỳ tuyển sinh 2016, trường sẽ xét tuyển thẳng học sinh của 82 trường THPT chuyên và năng khiếu dựa vào nhiều tiêu chí: Trường của thí sinh học nằm trong danh sách trường được chọn; thí sinh là học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt, đỗ tốt nghiệp THPT năm 2016.

Đảm bảo những tiêu chí này, thí sinh coi như vượt qua vòng sơ loại vào trường. Bước tiếp theo, thí sinh cần cân nhắc lựa chọn ngành học đăng ký xét tuyển và viết một bài luận xoay quanh một câu hỏi duy nhất: Vì sao bạn chọn ngành học này?

Không giới hạn số chữ dài hay ngắn, cũng không có một đáp án duy nhất cho bài luận dạng này, thí sinh hoàn toàn có thể phát huy khả năng sáng tạo cũng như hiểu biết, suy nghĩ của mình để thuyết phục ban giám khảo rằng mình hoàn toàn phù hợp để theo học ngành này.
Gợi ý về nội dung bài luận, thì theo TS Chính, dù trình bày dưới dạng nào thì cũng cần nêu bật được những yếu tố quan trọng như thí sinh có phù hợp và đam mê với ngành không, có khả năng với ngành đấy không. Câu hỏi bạn là ai, bạn hiểu biết về ngành học mình đăng ký xét tuyển như thế nào phải được trả lời trong bài viết này.

Về thư giới thiêu, có thể là do bất kỳ thầy cô giáo nào đã từng tham gia giảng dạy, tiếp xúc với học sinh đó trong quá trình học THPT. Cũng không quy định cụ thể về số chữ, cách viết, thư giới thiệu chỉ cần cho biết đã làm việc với học sinh bao lâu, đánh giá thế nào về học sinh và sự phù hợp của em đó với ngành học định chọn. Tất nhiên, cũng có thể là những bức thư đặc biệt dành cho những trường hợp học sinh đặc biệt, ban tuyển sinh cho sẽ cân nhắc, TS Chính thông tin thêm.

Tư duy đột phá

Nhìn nhận cách xét tuyển thẳng của ĐHQG TP HCM trong kỳ thi vào ĐH năm nay là bước đột phá về tư duy tuyển sinh, hướng theo chuẩn chung của các ĐH trên thế giới, GS Phạm Minh Hạc hoàn toàn ủng hộ phương án này.

Nhiều trường ĐH của các nước Anh, Mỹ,… cũng áp dụng các làm này để tuyển được những thí sinh xuất sắc, có tố chất vững vàng và phù hợp với ngành học.

Thay vì chọn trường, chọn ngành học theo cảm tính, theo số đông hoặc tâm lý chọn ngành “hot” mà không hiểu rõ về ngành học đó, không biết rõ năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu của ngành học hay không thì nay, với việc phải viết một bài luận trực tiếp trả lời những câu hỏi này, thí sinh sẽ phải tìm hiểu cẩn thận, cân nhắc rất kỹ. Điều này sẽ giảm bớt được việc chọn nhầm ngành học, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của thí sinh và xã hội.

Lê Thị Thoa, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nam, đồng thời là thủ khoa khối C ĐH Luật 2014 cho rằng, đây là một cách làm tiến bộ, mở ra nhiều cơ hội với các thí sinh có đam mê, hoài bão với ngành học.

Xét tuyển bằng bài luận và thư giới thiệu cũng sẽ phần nào hạn chế được tâm lý học chỉ để phục vụ cho việc thi cử thay vì hiểu biết. “Ba năm dồn lại ba ngày” khi mà sự nỗ lực học tập trong 3 năm học THPT sẽ được quyết định nhiều khi rất may rủi chỉ bằng vài tiếng trong kỳ thi ĐH. Tất nhiên, cơ hội mới chỉ dành cho những học sinh học trường chuyên, năng khiếu cũng là một thiệt thòi với nhiều học sinh các trường khác có kết quả học tập tốt, nghiêm túc.

Kinh nghiệm các nước

Ở Mỹ, kỳ thi vào ĐH được gọi là SAT với đề thi chung do một công ty dịch vụ làm việc độc lập với các trường ĐH ra đề. Mỗi học sinh có thể được thi SAT tối đa 3 lần trong một năm và chọn kết quả cao nhất gửi về trường ĐH muốn đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, đó chỉ một trong 6 yếu tố chính trong quá trình sàng lọc.

Các yếu tố không kém quần quan trọng khác đó là kết quả và cách học, cách lựa chọn môn học của học sinh trong 4 năm THPT, 3 (thay vì chỉ 1) lá thư giới thiệu từ thầy cô trực tiếp dạy học sinh, bài luận dài từ 800 đến 1.200 chữ có thể theo đơn xin học chung hoặc đề bài do trường ra, các hoạt động ngoại khóa và hoạt động cộng đồng, sự đóng góp của học sinh đối với cộng đồng ĐH mà họ muốn tham gia vào.

Về cơ bản, 6 yếu tố này sẽ cho thấy một cái nhìn tổng quát về học sinh không chỉ trong lĩnh vực học tập mà còn trong cuộc sống hàng ngày, niềm đam mê cũng như thế mạnh, điểm yếu của mỗi người - điều tạo nên giá trị của mỗi cá nhân thay vì chỉ căn cứ trên những con số của bảng điểm khô khan.

Tất nhiên, để thực hiện được tất cả các bước này không đơn giản. Chẳng hạn, chỉ riêng việc kiểm soát xem bài luận có bị “xào” từ đâu không hay do học sinh tự viết cũng đòi hỏi một hệ thống sàng lọc cẩn thận, nghiêm ngặt.

Với thư giới thiệu, GS Ngô Bảo Châu trong một lần giao lưu với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã kể lại câu chuyện ông từng nhận được lời đề nghị viết thư giới thiệu cho một nghiên cứu sinh mà ông không tiếp xúc nhiều.

Nhưng GS Ngô Bảo Châu đã từ chối với lý do ông không hiểu nhiều về năng lực làm việc, học tập và con người mà mình định giới thiệu, ông càng không ủng hộ việc soạn sẵn một bức thư giới thiệu mà mình chỉ cần ký bên dưới.

Có lẽ, đó cũng là một gợi ý cho các học sinh khi dự định nhờ thầy cô viết thư giới thiệu cho mình khi muốn được xét tuyển thẳng vào ĐHQG TP HCM.

Thu Hương