'Thủ tục hành chính vẫn gây phiền hà lắm...'
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ rõ như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của dự án Luật dược (sửa đổi) diễn ra ngày 23/2.
Ảnh minh họa.
Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm chính là cấp chứng chỉ hành nghề. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật là cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm; có ý kiến đề nghị quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi mà cải cách hành chính có tiến bộ.
Theo bà Mai, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng lại phát sinh thủ tục hành chính, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban kính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho xin ý kiến ĐBQH 2 phương án: phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược 1 lần. Sau đó, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.
Trước vấn đề trên, đặt vấn đề tại sao lại không cấp 1 lần mà 5 năm lại cấp lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì?, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Pháp luật nói tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở".
Từ đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, chỉ cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, còn không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm lại cấp lại.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, ngành Quân đội có lượng y học cổ truyền rất lớn nhưng luật chưa khuyến khích tạo điều kiện cho quân dân y kết hợp. Đây là mảng lớn ngành y quân đội, đơn vị nào cũng có vườn thuốc nam thì ta khuyến khích như thế nào? Mảng Quân đội cấp nào cũng có y học cổ truyền từ biên giới hải đảo đông tây y kết hợp, có nhiều loại thuốc quý mà chúng ta không biết. Vì vậy cần nghiên cứu có chính sách với y học cổ truyền của Quân đội và Công an.
Giải trình thêm, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng: Cấp chứng chỉ hành nghề trình xin được trình ra Quốc hội 2 phương án là 5 năm/ lần nhưng thấy thủ tục của ta nhiêu khê lắm nên 5 năm lại thêm thủ tục giấy tờ, tăng thêm thủ tục rườm rà. Do đó trình ra 2 phương án là cấp 1 lần, và 5 năm /lần.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta cấm không cho chào thầu thuốc sản xuất ở nước ngoài mà hiện trong nước đang sản xuất được nhưng ta phải quan tâm đến yếu tố giá. Có khi thuốc ở nước ngoài sản xuất, chất lượng tương đương nhau mà giá chỉ bằng 1/3 của ta. Như vậy đối tượng chịu thiệt hại chính là người dùng thuốc.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cần nghiên cứu thêm một số nội dung quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, làm sao cho công khai minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp và gia hạn giấy lưu hành cho các doanh nghiệp kinh doanh dược bởi hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn cho nên mong muốn là làm sao nâng cao chất lượng phục vụ của chúng ta.
Cũng theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, chúng ta đã gia nhập TPP, giờ bước vào sân chơi chung, tôn trọng thị trường nhưng đảm bảo công khai minh bạch giá thuốc trên thị trường để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích người dân, lợi ích của nhà kinh doanh. Do đó cần cập nhật nội dung mới trong cam kết.