'Trồng rau không sạch để rồi lại bán cho chính con mình ăn à?'

Trần Duy Hưng 23/02/2016 21:02

Bà Nguyễn Thị Thư, nông dân xã Nhân Chính (Lý Nhân-Hà Nam) đã “giãy nảy” lên với chúng tôi như vậy ngay trên cánh đồng rau màu thôn Hạ Vỹ vào chiều 23/2, khi được thăm hỏi về chuyện rau màu, thực phẩm bẩn, sạch hiện nay…

Bà Nguyễn Thị Thư: “Trồng rau không sạch để rồi lại bán cho chính con mình ăn à?”

Theo bà Thư, Nhân Chính quê bà có nghề trồng rau màu đã từ rất lâu. Hai phần ba diện tích canh tác của xã hiện được dành trồng rau màu, quanh năm. Bà bảo vì trồng rau màu, sống bằng nghề này nên mỗi lần xem trên tivi, báo đài thấy nói chuyện ở nơi này nơi kia trồng rau không sạch, dùng hóa học này nọ để kích thích, các bà rất chú ý xem, xem xong thì thấy bực, thấy oán.

“Ở đâu không biết chứ, ở quê tôi đây không có chuyện làm bậy đó!”, bà quả quyết. Chỉ vào đống phân hữu cơ được đóng vuông chằn chặn trong những chiếc bao, chất đống, ủ ở đầu ruộng, bà Thư bảo: “Đây này! Ngay như bón phân chúng tôi cũng có bón phân tươi đâu, toàn phải ủ rất lâu rồi mới mang bón!”.

“Còn việc phun thuốc bảo vệ thì sao? Cả nước đang lo thắt ruột vì sợ mua phải rau bị kích thích bằng thuốc hóa học đấy!”-tôi hỏi.

Vẫn cái kiểu giãy nảy, bà Thư bảo: “Chả giấu gì chú, trước đây khi chưa rành kỹ thuật lắm thì ở đây cũng có việc dùng đất đèn để ủ, ép cho cà chua chín nhanh. Giờ, chú thấy đấy, chúng tôi thay đổi tập quán rồi, cà chua cứ để ở ngoài đồng, đợi đến khi chín đỏ trên cây mới hái. Việc này khiến việc thu hoạch không được tập trung nhưng để an toàn cho người dùng chúng tôi vẫn làm”.

Bà Thư cho hay, lâu nay xã mở nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để nông dân như bà theo học. “Như tôi đây, vừa là nông dân vừa là phụ nữ nên được theo học đến 3-4 lớp, bổ ích lắm, toàn cán bộ trên huyện về dạy. Họ hướng dẫn chúng tôi danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng.

Ví như cái anh “Hai phẩy bốn đê”, “Sáu Sáu” là tuyệt đối không được dùng. Hiện giờ chúng tôi chỉ còn dùng mỗi cái anh “Sun-phát-đồng” để chống bệnh sương mai. Đặc biệt, chỉ dùng phân vi sinh để bón ruộng”, bà rổn rảng trên đồng làng.

Rồi bà nói mà như phân trần: “Mà không phải cứ đi học mới biết, tự chúng tôi cũng biết chứ! Chúng tôi trồng, bán rau gì thì cũng ăn thứ rau đó, ai lại đi làm bậy để rồi tự hại chính mình à? Ở đây giờ nhà nào cũng có con cháu đi học trên tỉnh, trên thủ đô. Ở quê ông bà, bố mẹ làm bậy, dùng hóa chất độc hại bón, phun cho rau màu, nhỡ thương lái về thu mua, sau đó họ lại mang đến đúng chỗ con cháu chúng tôi đang ở, học hành để bán thì sao? Hóa ra chúng tôi đi hại chính con cháu mình à?”.

Cũng liên quan đến chuyện rau sạch, đến xã Nhân Khang-cùng huyện Lý Nhân-câu chuyện chúng tôi chứng kiến còn thấy vui hơn nhiều. Đến địa bàn xã, hỏi người nào về đường ra khu dự án rau sạch chúng tôi cũng được hướng dẫn tận tình. Đến nơi, chúng tôi chứng kiến, trên cánh đồng phía trước các xóm 2, 3, 4, 5, thay bằng ngô lúa như thường thấy, giờ mọc lên một khu sản xuất nông nghiệp khá hiện đại.

Theo đó, các loại rau màu đều được tổ chức trong nhà lưới. Các khâu tưới, làm đất, vận chuyển đều được tự động hóa, cơ giới hóa…Tại khu nhà điều hành của công ty nằm ngay giữa cánh đồng, rất nhiều công nhân đang thực hiện các khâu đóng gói sản phẩm sau thu hoạch như bắp cải, khoai tây, cà chua…Như họ cho biết, những nông sản này giờ đã được mang thương hiệu “Kisuki An Phú Hưng”. Sau đây sẽ được vận chuyển lên tiêu thụ ở một số siêu thị tại Hà Nội…

Ông Nguyễn Bá Đăng-Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An Phú Hưng-đơn vị đang liên kết với nông dân địa phương để thực hiện dự án trên cho biết: mô hình sản xuất này là “sản phẩm” bước đầu của “Đề án phát triển cây trồng hàng hóa chất lượng cao” của tỉnh Hà Nam. Theo đó, với sự “hậu thuẫn” tích cực của chính quyền các cấp trong tỉnh, từ đầu năm 2015 việc sản xuất bắt đầu được tiến hành, trên cơ sở áp dụng công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Nhật Bản…

Trước đó, giữa nông dân địa phương và công ty đã có “cái bắt tay lịch sử”. Theo đó, nông dân địa phương cho công ty thuê lại ruộng đất. Những người có nhu cầu, đủ điều kiện được tuyển dụng vào làm công nhân nông nghiệp cho công ty, ngay chính trên thửa ruộng của mình. Bằng cách này, ở giai đoạn thử nghiệm, công ty đã tích tụ được hơn 23 ha đất trong tổng số 100 ha theo dự kiến để tổ chức sản xuất nông sản công nghệ cao; bước đầu 70 nông dân trong xã có ruộng cho công ty thuê cũng đã được tuyển dụng vào làm việc, trở thành công nhân nông nghiệp, làm việc trên chính thửa ruộng của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Huệ, ở xóm 9, một trong số các hộ có ruộng cho thuê, nay đang là Tổ trưởng tổ đậu bắp trong công ty, chia sẻ: từ khi tham gia dự án cuộc sống, công việc của chị có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Ngoài thu nhập từ việc cho thuê 3 sào ruộng (trị giá tiền bằng giá 120 kg ngô/sào/năm), hiện chị còn được trả 3,8 triệu đồng lương/tháng. So với việc sản xuất mỗi năm 2 vụ ngô, một vụ lúa trước kia, mức thu nhập này cao hơn hẳn.

Đó là chưa kể, tham gia dự án, chị được theo học các lớp tập huấn mở mang kiến thức, được làm việc trong môi trường có tổ chức, có kỷ luật, trưởng thành hơn rất nhiều. Quan trọng hơn, với chị Huệ cũng như nhiều nông dân địa phương, thông qua cách làm mới này, ngày ngày chị đang làm ra những nông sản sạch, góp phần làm cho bếp ăn của nhiều gia đình an toàn hơn, điều cả xã hội đang cần…

Sản xuất, cung cấp chế biến rau, thực phẩm bẩn, độc hại ra thị trường là một tội ác, được xem là cách “Người Việt tự đầu độc người Việt”, đang bị cả xã hội lên án. Chính vì vậy, những suy nghĩ, cách làm tích cực trên ở tỉnh Hà Nam hiện nay rất đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng…

Trần Duy Hưng