Nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD

H.Hương 24/02/2016 05:54

Ngày 23/2, trong chuyến thăm của Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đến Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo Việt Nam 2035 – trong đó đưa ra khuyến nghị lộ trình đưa Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập kỷ tới. 

Nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối
giữa các thành phố và vùng phụ cận là một trong 6 chương trình cải cách.

Cần duy trì mức tăng trưởng 7%/năm

Báo cáo dày 130 trang gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập kỉ tới, rằng Việt Nam cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình đô thị hoá một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra nhằm thực hiện cải cách trên qui mô lớn.

Vậy điều kiện nào để có thể trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện địa vào năm 2035? Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 – khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương - so với 2.052 USD năm 2014 – khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương.

Ngoài ra trên 50% người dân sống ở khu vực đô thị; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP; trên 70% lao động làm việc trong nền kinh tế…

Theo đánh giá, đây là tỷ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990 – 2014. Và với tốc độ tăng trưởng thấp hơn, khả thi hơn nhưng vẫn là tham vọng ở mức 5% (là đốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua) GDP theo đầu người sẽ lên tới 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Braxin năm 2014.

Còn với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm, GDP đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.000 USD tương đương mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002.

“Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất, trong 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói. Theo ông Jim Yong Kim, Báo cáo Việt Nam 2035 thể hiện rõ nét mong muốn của lãnh đạo Việt Nam muốn đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hoá sau một thế hệ.

6 chương trình cải cách

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sau chặng đường 30 năm đổi mới thu được một số thành quả, hướng tới mốc 50 năm, Việt Nam đặt mục tiêu khơi dậy khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn.

Và để hoàn thành những con số quan trọng này Báo cáo cũng nêu ra 6 chương trình cải cách dựa trên 3 trụ cột mà Việt Nam cần làm. Trong đó 6 cải cách bao gồm: Thứ nhất, hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ hai, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả của quá trình đô thị hóa, tăng cường kết nối giữa các thành phố và vùng phụ cận.

Thứ tư, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế cùng với sự phát triển của xã hội trung lưu. Và cuối cùng là xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Còn 3 trụ cột chính: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi.

H.Hương