Cuống cuồng tìm ô sin sau Tết
“Đến hẹn không lên” - đó là tình trạng chung của nhiều gia đình sau Tết khi người giúp việc về quê không trở lại. Nhiều chị em cho biết, mặc dù trong Tết đã đưa ra rất nhiều “ưu đãi” như hứa sẽ mừng tuổi, tăng thêm lương… song, cũng khó lòng giữ chân “ô sin”.
Ảnh minh họa. nguồn: nld.com.vn
Tình trạng ra Tết, nhà nhà “khát” ô sin đã trở thành chuyện thường niên. Nhiều gia đình, chỉ vì người giúp việc – ô sin – về quê nhưng một đi không trở lại đã rơi vào tình trạng “chạy đôn chạy đáo” vì không kiếm được người trông trẻ và làm việc nhà.
Chị Nguyễn Thanh Nga, ở khu Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, mùng 8 Tết cả hai vợ chồng chị đã phải đi làm, nhưng qua rằm rồi vẫn không thấy bà ô sin lên trông giúp thằng cu 3 tháng tuổi. Từ hôm ra Tết đến nay, ngày nào chị cũng phải xin phép đến cơ quan muộn 30 phút vì phải đưa con qua nhà bà ngoại. Chiều lại phải xin về sớm 15 phút để về nhà bà ngoại đón con.
“Công việc bị gián đoạn vì người giúp việc hẹn lên sớm nhưng lại lặn mất tăm. Năm nào cũng vậy, cứ nghỉ Tết xong là cả nhà lại cuống cuồng lên để tìm thuê người giúp việc” – chị Nga than thở.
Theo chia sẻ của chị Nga, mặc dù đoán trước tình thế, trước Tết đã đưa ra rất nhiều ưu đãi để “nịnh” ô sin, nào là hứa hẹn ra đúng ngày sẽ mừng tuổi, rồi ngoài thưởng Tết không quên gửi một túi quà to… thế nhưng đến ngày hẹn vẫn “bặt vô âm tín”.
“Cứ nghĩ là bà giúp việc chỉ nghỉ qua rằm thôi, ai dè, rằm xong rồi vẫn không thấy đâu. Điện thoại gọi thì toàn ngoài vùng phủ sóng” – chị Nga chia sẻ.
Tình cảnh của gia đình chị Nga chỉ là một trong vô số các gia đình trẻ hiện nay có chung tình trạng “khát” ô sin. Không may mắn như gia đình chị Nga có bà ngoại ở Hà Nội chăm con hộ, gia đình anh Trần Tuấn Khang, nhân viên ngành ngân hàng ở phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) còn phải thay nhau xin nghỉ phép để trông con.
“Thời buổi này, người giúp việc “chảnh” quá, gia đình tôi trả lương 4 triệu đồng/ tháng nuôi ăn, mặc, ở, Tết thưởng cao, còn có cả cơ chế cho nghỉ mỗi tháng 1 ngày không trừ lương, vậy mà vẫn không giữ được chân người giúp việc” – anh Khang than thở.
Nhiều đôi vợ chồng trẻ cho biết, bây giờ muốn người giúp việc “chung thủy” với gia đình, phải cung phụng, cưng chiều hết mức. Như nhà chị Văn Thùy Hương - phố Quan Nhân, Hà Nội, có “chiêu” giữ người giúp việc hiếm thấy.
Chị Hương cho hay, bà giúp việc nhà chị có cơ chế làm việc mà cán bộ đi làm cơ quan nhà nước như chị không bao giờ được hưởng. Đó là, đi làm được khoảng 20 ngày, bà lại xin về nhà khoảng 1 tuần. Nhiều lý do, tháng thì về giỗ chạp, tháng thì về ăn cưới, lúc xây nhà mới, bố ốm, mẹ ốm, cháu ốm… Bất cứ lý do nào, chị Hương cũng cho về.
“Ô sin nhà tôi sướng lắm, chả giống ai, thích về lúc nào là được lúc ý, xin về ba ngày thì nghỉ đến cả tuần mới ra. Nhưng khi ra thì tôi cũng chả trách mắng một câu nào. Nhiều khi, bà ấy cũng thổ lộ với tôi rằng, bà mà làm ở chỗ khác chắc bị cho nghỉ việc lâu rồi. Thế nên, năm nào ra Tết bà cũng lên trước rằm, và cũng không thấy cảnh một đi không trở lại như nhiều gia đình khác” – chị Hương chia sẻ. Tuy nhiên, đó là do chị Hương được ở gần gia đình nội, ngoại, mới có thể cưng chiều được người giúp việc như vậy.
Tình trạng người giúp việc cứ đơn phương nghỉ sau Tết không đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Thực tế lâu nay, giữa chủ nhà và người giúp việc chỉ thỏa thuận hợp đồng lao động miệng, không có giấy tờ nên thường xuyên các gia đình lâm tình cảnh Ô sin thích thì làm, không thích là nghỉ.
Mặc dù đã có Nghị định quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của người giúp việc và coi giúp việc tại các gia đình cũng là một nghề (Nghị định 27 có hiệu lực từ năm 2014), tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các gia đình thuê người giúp việc vẫn theo thỏa thuận miệng và chủ yếu dựa trên tình cảm.
Bà Hà Thị Minh, ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết, từ trước đến nay bà đi làm giúp việc thuê tại các gia đình chủ yếu vẫn chỉ theo thỏa thuận miệng. Gia đình nào sống tình cảm, dễ dàng, đặc biệt là không soi mói, nghi kỵ thì bà ở lâu. Còn phải người chủ hay để ý, nói bóng nói gió, nhất là có thái độ coi thường, ngược đãi… thì chỉ làm vài hôm rồi bà nghỉ liền.
Thiếu hụt lao động phổ thông
Là phiên giao dịch đầu năm, nên từ 8 giờ sáng ngày 23/2, hàng trăm lao động đã có mặt tại trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm kiếm cơ hội việc làm. Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong phiên giao dịch đầu năm có 32 đơn vị tham gia, với gần 700 chỉ tiêu tuyển dụng. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tương đối cao về nguồn lao động phổ thông, chiếm gần 40% với 265/676 chỉ tiêu Kế tiếp là lao động có trình độ trung cấp chiếm 31,6% (214/676 chỉ tiêu), nhu cầu tuyển lao động trình độ cao đẳng chiếm 18,3% (124/676 chỉ tiêu), nhu cầu tuyển lao động trình độ đại học chiếm 10,2% (69/676 chỉ tiêu) và thấp nhất là nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên với gần 0.6% tổng chỉ tiêu tuyển dụng (4/676 chỉ tiêu).
Đánh giá về tình hình tuyển dụng lao động đầu năm 2016 tại Hà Nội, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2015, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp rất cao nhưng tình hình thiếu hụt lao động đã bắt đầu xuất hiện và trong những phiên giao dịch việc làm đầu năm 2016 thì trạng này ngày càng rõ ràng hơn, đặc biệt là thiếu lao động phổ thông.L.H.