Thông điệp của lãnh đạo và sự giám sát của nhân dân
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã ra Quyết định thăng cấp cho 313 sĩ quan cấp tướng, bổ nhiệm 6 Phó Thủ tướng, 25 Bộ trưởng, cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam 3.000 người, cho thôi quốc tịch Việt Nam 32.000 người. Về hoạt động của Chủ tịch nước có nhận xét rằng, những tuyên bố của Chủ tịch nước gây ấn tượng rất mạnh, tác động sâu sắc tới nhân dân...
Đại hội Đảng lần thứ XII.
Dư luận rất hoan nghênh việc các lãnh đạo cao nhất của đất nước vào đầu năm và cuối nhiệm kỳ đều có những thông điệp cho toàn dân biết kết quả hoạt động của mỗi chức trách trong thời gian qua và chương trình, phương hướng hoạt động trong thời gian tới của mỗi vị. Nếu hình thức hoạt động này được mở rộng đến các vị đại biểu Quốc hội, các vị đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì sẽ càng tốt hơn. Đây sẽ là biện pháp làm cho Đảng, Chính quyền trở nên gần dân hơn. Nó cũng là cách để nhân dân biết và đánh giá được tâm và tầm của người công bộc của dân.
Vì vậy không nên hạn chế độ ngắn và dài của thông điệp, miễn sao thông điệp phản ảnh được nội dung và sự đáp ứng đến mức độ nào nguyện vọng của dân là đạt yêu cầu. Lẽ dĩ nhiên ngắn mà nội dung súc tích thì càng tốt.
Để làm rõ hơn thành tựu và chương trình hành động của từng chức trách thì nên căn cứ vào nhiệm vụ của từng người đã được quy định trong Hiến pháp và trong những văn bản có liên quan. Chẳng hạn với Chủ tịch nước thì nên bám sát 6 điểm đã được nêu trong Điều 88 Hiến pháp- những nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước; với Thủ tướng Chính phủ thì nên bám theo bám theo Điều 98 Hiến pháp- những nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng.
Điều mà nhân dân mong muốn được biết, trước hết là thông điệp cần nêu rõ những tiến bộ trên các mặt mà toàn quốc, hoặc từng địa phương đã đạt được. Với những vấn đề bức xúc của toàn quốc, của từng địa phương, người ra thông điệp cần nêu rõ những phương hướng biện pháp cụ thể để khắc phục.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong các cuộc “vi hành” của lãnh đạo, nhân dân đã thẳng thắn, mạnh dạn nói lên những nguyện vọng, những bức xúc của dân. Thay cho việc biểu lộ sự cảm thông và đưa ra những lời hứa, nếu người lãnh đạo có những quyết sách ngay tại chỗ, giải quyết kịp thời các vướng mắc thì lòng tin của dân càng được củng cố thêm vững chắc.
Có một số lãnh đạo, qua các cuộc vi hành xuống cơ sở, đã kịp thời giải quyết được một số khiếu nại dài ngày đối với nhiều vấn đề của dân. Thực tế đã có những vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm nhưng khi lãnh đạo trực tiếp nghe người dân phản ảnh thì chỉ trong một tuần, một tháng đã gỡ xong rối. Không phải mọi khiếu nại đều có thể giải quyết chóng vánh, nhưng nếu lãnh đạo quyết tâm thì vẫn có thể làm được.
Bước vào năm 2016, nhân dân Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi rất lớn, đồng thời phải đương đầu với nhiều thách thức lớn. Làm thế nào để nắm bắt và tận dụng được thời cơ, làm thế nào để vượt qua được những thách thức lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ như chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; nhanh chóng san lấp khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực; làm thế nào để khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của biến đổi khí hậu là những vấn đề nóng hổi tính thời sự mà nhân dân mong muốn tìm được câu trả lời, đồng thời là sự hướng dẫn hành động cho dân trong các thông điệp của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.