Tuyển sinh 2016: Cộng điểm ưu tiên như thế nào hợp lý?

Phương Linh 24/02/2016 10:16

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2016. Đối với chính sách ưu tiên, để tránh tình trạng thí sinh chuyển trường về những khu vực khó khăn nhằm được cộng thêm điểm, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Về vấn đề này, bên cạnh ý kiến đồng tình cũng còn nhiều băn khoăn.

Những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ đang dần được hoàn chỉnh. Ảnh minh họa.

Đừng biến điểm ưu tiên thành… làm hại các em

Đối với kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải cạnh tranh nhau từ 0,25 điểm. Do vậy, trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 nhiều chuyên gia giáo dục đã đề xuất một số giải pháp cộng điểm ưu tiên, để hạn chế tình trạng xáo trộn như mùa tuyển sinh năm 2015. Trong mùa tuyển sinh 2015, nhiều thí sinh đã được cộng tới 4 điểm khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Hoặc cũng đã xảy ra tình trạng hoang mang giữa các thí sinh vì cộng điểm ưu tiên, tưởng đủ điểm đỗ rồi nhưng cuối cùng lại trượt!

Đồng tình với quan điểm nhân văn về cộng điểm ưu tiên, nhưng ông Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất, điểm cộng (ưu tiên và khuyến khích) không nên quá 10% tổng điểm xét tuyển. Ví dụ, để xét vào ĐH với tổ hợp 3 môn thi có tổng tối đa 30 điểm, điểm cộng không nên quá 3 điểm. Một học sinh thuộc diện được hưởng nhiều chế độ ưu tiên và khuyến khích như khu vực, dân tộc, học sinh giỏi quốc gia, chỉ nên chọn chế độ có điểm cộng cao nhất.

Ông Nhĩ khẳng định, cộng điểm ưu tiên là chính sách hoàn toàn hợp lý, vì các địa phương có điều kiện phát triển không đồng đều. Tuy nhiên, điểm ưu tiên cần có giới hạn, nếu không sẽ dẫn đến việc đào tạo kém chất lượng. Học sinh vùng sâu, vùng xa tốt nhất nên cho vào các trường dự bị để bồi dưỡng kiến thức, thay vì cộng nhiều điểm ưu tiên. Ông cũng góp ý rằng, nếu không kiểm soát được điểm ưu tiên sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực như chạy hộ khẩu, chạy hồ sơ, học bạ...

Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nêu quan điểm: Việc giảm điểm chuẩn cho các em ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, là một hướng nhân văn. “Tôi thấy nếu ưu tiên để thí sinh được nhập học nhưng các em không có thực lực, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo thì không phải giúp mà làm hại các em. Bởi vậy, khi đưa ra mức ưu tiên cũng cần cân nhắc tới yếu tố này”.

Đối tượng cộng điểm ưu tiên sẽ thu hẹp

Đánh giá bước thay đổi của Bộ đang dần hướng tới hoàn chỉnh, công bằng hơn cho mọi thí sinh, ông Vũ Phán- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông nhận định: Mức ưu tiên như đề án đưa ra là hợp lý. Tuy nhiên, trong quá trình xét tuyển, các trường cần phải hết sức lưu ý để tránh nhầm lẫn về khu vực, đối tượng ưu tiên. “Điểm ưu tiên theo tôi là yếu tố lịch sử. Nhưng sau này tất cả phải bình đẳng, miền núi tiến kịp miền xuôi, người nghèo tiến kịp người giàu. Lịch sử hiện nay phải như thế nên điểm ưu tiên cũng cần bảo đảm yếu tố xã hội. Trình độ của người miền núi chưa bằng miền xuôi phải đào tạo thế nào cho bằng được… Bởi tôi nghĩ xây dựng chính sách ưu tiên phải vận dụng tổng hợp nhiều quy luật, quy luật xã hội, quy luật tâm lý chứ không phải chỉ nhìn phiến diện. Điểm ưu tiên cũng cần phải bớt đi, ví dụ Cao Bằng phải dần dần bằng Hà Nội, hoặc bằng Phú Thọ… nhưng dần dần thay đổi thôi, chứ bỏ ngay thì không được”.

Ông Phán cho rằng: Năm ngoái sở dĩ có ồn ào về điểm ưu tiên chẳng qua là do tính sai, thí sinh không đủ điểm đỗ lại công bố là đủ. Nếu làm đúng ngay từ đầu thì sẽ chẳng có vấn đề gì, mà cái chính là do lỗi kỹ thuật khiến học sinh tưởng đỗ lại thành trượt nên bức xúc. Còn nếu các em biết trượt từ đầu thì chắc sẽ không xôn xao như vậy.

Đánh giá chung vấn đề, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ có ghi nhận một số ý kiến cho rằng nên giảm bớt điểm cộng ưu tiên, vì khi cộng điểm ưu tiên cao sẽ không đảm bảo công bằng với thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, qua thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho thấy số thí sinh được cộng điểm ưu tiên vượt điểm sàn trong năm 2015 cũng tương đương với các năm trước. Do vậy, nếu Bộ GD&ĐT giảm mức cộng điểm ưu tiên xuống còn một nửa thì những đối tượng được cộng điểm ưu tiên như: Học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa… sẽ có tỷ lệ đỗ vào các trường rất thấp. Điều này gây ra mất công bằng trong tuyển sinh.

Thứ trưởng Ga cũng cho biết thêm, năm 2016, những đối tượng được cộng điểm ưu tiên sẽ được thu hẹp lại. Cụ thể, những thí sinh thuộc diện ưu tiên khu vực 1 phải là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1. Theo đó, những thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên đã giảm đi đáng kể so với trước. Đồng thời, Bộ GD&ĐT vẫn duy trì những đối tượng xứng đáng được hưởng chế độ ưu tiên. “Còn việc cộng điểm ưu tiên những thí sinh đạt giải tại các kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường nhằm cộng điểm ưu tiên phù hợp với ngành nghề đào tạo” - Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.

Phương Linh