Tình yêu Tổ quốc trong thơ Trẻ
Trong Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM năm nay có trình diễn thơ ca với chủ đề tình yêu quê hương đất nước, với vở kịch thơ “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” của các nhà thơ trẻ là tiết mục nổi bật. PV Báo Đại Đoàn Kết trò chuyện với nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn, người đã tham gia vào vở kịch thơ này.
Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn.
PV: Kịch thơ “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” là tâm điểm của chương trình, và được đông đảo công chúng đón nhận. Ý tưởng đã ra đời như thế nào?
Nhà thơ trẻ Hồ Huy Sơn: Năm nay, tôi cùng hai nữ nhà thơ trẻ Tiểu Quyên và Minh Đan cùng nhau thể hiện tiết mục kịch thơ “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” do nhà thơ Minh Đan lên ý tưởng và dàn dựng. Ngoài thơ của tôi, Tiểu Quyên và Minh Đan còn có thơ của các nhà thơ như Lê Minh Quốc, Nguyên Thạch, Bùi Chí Vinh. Các bài thơ có chung cảm hứng về biển đảo, và tình yêu quê hương đất nước.
Chúng tôi có chưa đầy 3 ngày để tập luyện, góp ý và xử lý tiết mục của mình. Cả tôi lẫn Tiểu Quyên và Minh Đan không ai có “tay nghề” về đạo diễn, nên có thể nói, để Kịch thơ được ra mắt với công chúng vào đêm thơ là một nỗ lực rất lớn của ba chị em. Và may mắn, chúng tôi đã nhận được những hiệu ứng tích cực từ công chúng khi đã truyền tải tình yêu quê hương, biển đảo và tình yêu thơ.
Đã từng tham gia trình diễn nhiều lần tại Sân thơ Trẻ Việt Nam tại Hà Nội, khi đến với Sân thơ Trẻ TP HCM, anh có cảm giác gì?
- Thực ra, vào năm 2014, tôi có tham gia Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM, và đây là lần thứ hai tôi tham gia vào Ngày thơ ở Thành phố. Nói về tình yêu thơ thì ở đâu cũng giống nhau thôi. Chỉ có cách tổ chức và không gian thì hơi khác nhau một chút. Ở Hà Nội, không gian rộng rãi hơn nên ban tổ chức cũng như các tác giả có thể thỏa sức sáng tạo nhằm tạo ra một Ngày thơ thật đặc biệt và ấn tượng.
Không gian Ngày thơ của TP.HCM không được lợi thế như vậy nhưng tôi thấy ban tổ chức và các tác giả đã thật sự nỗ lực để có một ngày dành cho thơ cũng như công chúng yêu thơ. Nhất là ở sân thơ trẻ, năm nay cũng có những nỗ lực đáng kể khi tạo ra một Sân thơ trẻ với các không gian như Vách thơ trẻ, Sàn thơ trẻ, Sắp đặt thơ…
Năm nay, thấy rõ có sự ưu ái từ ban tổ chức đối với các nhà thơ trẻ?
- Vâng. Năm nay Ban tổ chức chọn thơ trẻ làm trung tâm. Thông qua tiết mục Mời thơ, các nhà thơ trẻ đã có cơ hội giao lưu, cùng đọc thơ với các nhà thơ thế hệ trước. Điều đó phần nào thể hiện sự quý trọng cũng như tiếp nối giữa các nhà thơ thế hệ trước và các nhà thơ trẻ hiện nay. Chính nhờ vậy, chúng tôi đã có dịp trò chuyện, lắng nghe thơ của các nhà thơ thế hệ trước mình như Nguyễn Vũ Tiềm, Khánh Chi, Phan Hoàng, Lê Minh Quốc…
Cứ nói đến thơ, là tôi thấy khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn. Quả thực, nhà thơ mang trong mình một tình yêu sâu sắc, dù là thơ khi làm ra khó có nhuận bút, thậm chí còn phải tự bỏ tiền in thơ?
- Phải thú thật rằng, từ tập thơ đầu tiên đến tập thơ “Rồi lẻ loi như gió” lần này, việc đưa thơ đến với bạn đọc với tôi đúng là vô cùng chật vật. Có một số nhà sách nghe nhắc đến thơ liền lắc đầu hoặc yêu cầu mức chiết khấu khá cao. Một số nơi thì yêu cầu có hóa đơn đỏ. Mà tôi in sách theo tư cách cá nhân thì làm sao có thể xuất được hóa đơn?
Có nhiều khó khăn như vậy. Nhưng theo tôi được biết, ngoài mình ra cũng có nhiều tác giả trẻ khác cũng tự in thơ rồi tự phát hành. Họ đến với thơ bằng đam mê thực sự, hoàn toàn không vụ lợi. Vì sao thơ không bán được mà vẫn làm thơ và yêu thơ à? Thì cũng có thể do chúng tôi yêu quá mà lú lẫn. Chứ chẳng có ai tỉnh táo, thấy khó khăn mà vẫn “bập” vào. Nhưng biết sao được, khi đó chính là đam mê, mang lại cho mình niềm vui sống? Thế nên, để theo đuổi được đam mê, đôi khi phải chấp nhận thôi!
Xin cảm ơn anh!