Tập trung thanh tra lĩnh vực xây dựng do mất an toàn
Năm nay, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH tập trung vào kiểm tra ngành xây dựng do ngành này đang chiếm tới 30,4% tổng số vụ tai nạn lao động (có địa phương lên tới 60%) và 37,8% tổng số người chết.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ngày 24/2/2016, tại hội thảo bàn kế hoạch thực hiện chiến dịch thanh tra lao động mở màn cho năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm nay hoạt động thanh tra toàn diện của Bộ LĐ-TB-XH xác định tập trung toàn bộ chiến dịch vào các doanh nghiệp, công trường, dự án thuộc lĩnh vực xây dựng vốn là hoạt động có nhiều sự cố nóng bỏng và bức xúc về các vụ việc tai nạn, mất an toàn lao động lớn xảy ra liên tục thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, sở dĩ chọn riêng lĩnh vực xây dựng làm trọng tâm thanh tra năm 2016 vì theo số liệu điều tra, hiện nay ngành xây dựng đang chiếm tới 30,4% tổng số vụ tai nạn lao động (có địa phương lên tới 60%) và 37,8% tổng số người chết.
Trong năm 2015 đã xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như sập giàn giáo ở KCN Formosa (Hà Tĩnh) khiến 13 người chết; sập giàn giáo cửa hầm Cổ Mã (Khánh Hòa); sập giàn giáo tại Cần Thơ; sập cần cẩu tại Đồng Tháp; đổ sập cần cẩu thi công đường sắt trên cao Hà Nội...
Chiến dịch sẽ diễn ra tại tất cả 63 tỉnh và thành phố trong cả nước, tập trung vào các nội dung gồm việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị an toàn lao động; điều kiện đảm bảo an toàn lao động tại các công trường như hệ thống điện, giàn giáo, cẩu tháp...
Lễ phát động sẽ diễn ra tại tỉnh Hưng Yên vào ngày 21/3 và sau đó lần lượt tổ chức tại Yên Bái, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trước đó, trong năm 2015, chiến dịch thanh tra lao động toàn diện đã chọn ngành may mặc để làm thí điểm nhưng không mang lại kết quả khả quan do sự phối hợp giữa các bên ở cấp Trung ương chưa chặt chẽ, việc liên hệ và trao đổi thông tin chưa thường xuyên, liên tục.