Tình trạng xin lùi, rút văn bản pháp luật: Vẫn chưa được khắc phục
Theo Bộ Tư pháp, đến cuối năm 2015 các cơ quan có thẩm quyền còn nợ 33 văn bản, tăng 15 văn bản so với năm 2014. Trong số văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, rất ít văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nhất là việc ban hành các thông tư, thông tư liên tịch. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trụ sở Bộ Tư pháp.
Đánh giá về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2015, các bộ, cơ quan đã tích cực tham mưu giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, pháp lệnh, trong đó, có nhiều đạo luật quan trọng, được coi như rường cột của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện nghiêm túc hơn với 3.571 văn bản được ban hành.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2015 đã ban hành 3.080 VBQPPL. Tính cả nhiệm kỳ 2011 - 2015, các tỉnh đã ban hành 16.860 VBQPPL. Tuy nhiên công tác xây dựng và ban hành VBQPPL vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng xin lùi, xin rút các dự án luật khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa được khắc phục triệt để. Đáng chú ý, hiện tượng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến. Đến cuối năm 2015, các cơ quan có thẩm quyền còn nợ 33 văn bản (tăng 15 văn bản so với năm 2014). Ngoài ra, số lượng văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh rất ít, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, đến quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức cá nhân.
Từ ngày 20-11-2015, Bộ Tư pháp đã gửi công văn đến 29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu, đề xuất các dự án luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình năm 2017 và đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2016. Mặc dù Công văn này ghi rõ thời hạn cuối gửi về là ngày 25-12-2015 nhưng tính đến ngày 21-1-2016, Bộ Tư pháp mới nhận được công văn trả lời của 19/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 8 đơn vị trong Bộ Tư pháp. Trong đó có 5 bộ và 3 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp gửi công văn không đề xuất đưa dự án luật, pháp lệnh nào vào Chương trình.
Theo lý giải của các bộ, ngành và các địa phương từ khi triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, số lượng các luật, pháp lệnh do các bộ, cơ quan phải chủ trì xây dựng là rất lớn, đồng thời, số lượng văn bản quy định chi tiết phải xây dựng, ban hành nhiều. Chẳng hạn, riêng năm 2015, cần ban hành tới 230 văn bản (tăng 24 văn bản so với năm 2014). Nội dung của nhiều dự án, dự thảo văn bản quy định những vấn đề mới, phức tạp, trong khi đó thời gian để xây dựng, ban hành văn bản là tương đối ngắn…là những nhân tố khiến việc xây dựng và ban hành các VBQPPL chậm không kịp tiến độ.
Khi chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này đại diện Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng, bên cạnh việc phải ban hành số lượng VBQPPL lớn thì có không ít bộ, ngành chưa thực sự coi trọng công tác này. Bằng chứng là hàng quý, hàng năm để giải quyết vấn đề nợ đọng văn bản, Bộ Tư pháp cùng nhiều bộ, ngành tổ chức họp để giải quyết. Nhưng trong các cuộc họp đó các bộ, ngành chỉ cử cán bộ dự họp, còn lãnh đạo có chăng chỉ đến cấp cục, vụ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc nợ đọng, thậm chí xin rút lùi VBPQPL ngày càng gia tăng
Nhằm đốc thúc việc xây dựng và ban hành VBPQPL, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 47 văn bản nợ ban hành trong quý 1-2016, nhất là đối với 30 văn bản nợ ban hành từ năm 2015.