Mong không còn người ăn xin trên đường phố

Lê Bình 25/02/2016 01:31

Năm nay, ngay sau Tết, người ăn xin bỗng nhiên xuất hiện nhiều  bất thường trên các tuyến đường ở TP. HCM, mặc dù công an từng tổ chức nhiều cuộc ra quân đưa họ về trung tâm xã hội. 

Mong không còn người ăn xin trên đường phố

Ảnh minh họa.

Được biết, gần 10 năm trước, năm 1997, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị 44 nhằm giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố. Với sự vào cuộc sôi nổi của các cơ quan chức năng thời điểm đó, tình trạng ăn xin lê la trên đường phố, đeo bám du khách để xin tiền giảm rõ rệt. Mới đây nhất, tháng 12-2014, các lực lượng chức năng TP.HCM ra quân đồng loạt đưa người ăn xin, người lang thang vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Mục tiêu đề ra là trước Tết Nguyên đán 2015, thành phố cơ bản không còn người ăn xin. Song những người này tìm mọi cách để ra khỏi trung tâm.Việc tập trung người xin ăn vì thế cứ luẩn quẩn.

Đến nay, hơn một năm sau, hằng ngày, người dân TP.HCM vẫn bắt gặp nhan nhản người lớn lẫn trẻ em, người tàn tật và cả người giả tàn tật ngồi xin ăn tại nhiều góc đường. Trong họ có cả những người bị kẻ xấu lợi dụng, chăn dắt.

Nhiều năm qua, quan tâm giải quyết tình trạng nhếch nhác này, Bộ LĐ-TB&XH từng nhiều lần gửi công văn đến các tỉnh, thành phố yêu cầu lên danh sách, tập trung người lang thang, xin ăn vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhằm đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong đó có TP. HCM chỉ thực hiện theo từng chiến dịch hoặc dịp gần lễ, tết. Vì thế nhiều người cho rằng làm như vậy chẳng khác gì bắt cóc bỏ đĩa, hết đợt thu gom lại đâu vào đấy.

Phân tích tình trạng này, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết: Xét về tâm lý, bên cạnh những đối tượng cảm thấy hài lòng khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ học nghề, nhiều người lại cảm thấy gò bó, tìm cách trở lại cuộc sống bên ngoài và hành nghề cũ.

Còn TS xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) thì cho rằng: “Chúng ta có đủ điều kiện để xây dựng những trung tâm, khu an sinh, hỗ trợ người lang thang, ăn xin bền vững”.

Còn người dân thì không tránh khỏi mệt mỏi thậm chí bức xúc khi bị đeo bám trên những chặng đường thiên lý đầu năm thì dường như mất lòng tin Bởi từ trước đến nay, vấn đề này chưa khi nào chúng ta làm đến nơi đến chốn, vẫn còn đó khoảng cách giữa lời nói, chỉ đạo đến các giải pháp thực hiện và sự làm theo của toàn hệ thống.

Thiết nghĩ, không chỉ riêng việc quản lý người lang thang, xin ăn mà bất kể vấn đề gì muốn quản lý tốt đều cần đến sự đồng bộ, nghiêm túc và quyết liệt trong thực hiện. Muốn họ không ăn xin thì phải an sinh cho họ, tức là cơ quan ban ngành còn phải nghĩ đến cả gia đình và các mối quan hệ xã hội của họ… Thực ra, phải nghĩ rằng ai cũng có lòng tự trọng, chỉ khi nào họ cùng đường, không có điều kiện làm việc, đói ăn, thiếu mặc thì mới phải xin ăn.

Bằng sự quyết liệt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng cơ quan ban ngành và người dân, một số vấn đề nổi cộm của thành phố đã từng bước được giải quyết hợp lòng dân, người dân có quyền tin tưởng vấn nạn này không lâu nữa cũng sẽ được xóa bỏ.

Lê Bình