‘Ngoài biết hát, cán bộ phụ nữ giờ còn phải biết làm kinh tế, làm chính trị’
Bà Lê Thị Minh, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nghĩa Hưng đã chia sẻ nhìn nhận trên tại buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng chương trình phối hợp vận động hội viên phụ nữ tuyến biên phòng, do Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định, Hội phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức sáng nay, 25/2 tại Đồn Biên phòng Quất Lâm (huyện Giao Thủy)…
Tuyến biên phòng tỉnh Nam Định gồm 20 xã, thị trấn thuộc ba huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, trải dài trên 72km bờ biển. Đặc điểm của tuyến là có nhiều hoạt động phát triển kinh tế sôi động; có đông đồng bào có đạo, nhất là đồng bào theo đạo Công giáo. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đại biểu tham dự tọa đàm, tình hình tội phạm, an ninh trật tự tại đây đang có những diễn biến phức tạp…
Từ thực tế trên, theo Đại tá Hoàng Minh Tiễn, Phó Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định, những năm qua Bộ Đội biên phòng tỉnh và các đoàn thể chính trị, trong đó có Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã xây dựng, duy trì chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng khu vực biên giới biển của tỉnh, trong đó có hội viên phụ nữ tích cực tham gia giữ gìn chủ quyền, an ninh vùng biên và phát triển KT-XH tại địa bàn này, với nhiều nội dụng, hoạt động cụ thể, thiết thực.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quất Lâm:
“Trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới biển, các chị đã cung cấp
cho đồn rất nhiều tin có giá trị về ANTT”
Chia sẻ kinh nghiệm vận động quần chúng phụ nữ vùng biên giới biển, Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quất Lâm cho biết: địa bàn đồn đứng chân làm nhiệm vụ có 4 xã, 1 thị trấn. Người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng các nghề làm muối, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Để đoàn kết, tập hợp phụ nữ địa phương, những năm qua, Đồn Biên phòng Quất Lâm và Hội phụ nữ các cấp trong huyện Giao Thủy đã phối hợp xây dựng, duy trì hoạt động mô hình CLB “Phụ nữ vì sự bình yên và phát triển tuyến biển” tại 5 xã, thị trấn trên.
Ngoài tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách; nơi để chị em hội họp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm, một trong những hoạt động quan trọng của Câu lạc bộ là phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện hỗ trợ các thành viên vốn vay phát triển kinh tế gia đình; bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật để chị em áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi…
“Trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới biển, các chị đã có những đóng góp rất tích cực, cung cấp cho đồn rất nhiều thông tin có giá trị về an ninh trật tự trên địa bàn; vận động chồng con, người thân khi tham gia nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền thì kịp thời báo cho lực lượng Biên phòng biết, xử lý”, Thiếu tá Quảng cho biết thêm.
Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Hải Hậu: “Hai bên đã phối hợp
hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ làm tốt công tác
vệ sinh môi trường; tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.”
Đến từ huyện Hải Hậu, bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện cho biết, thời gian qua các hoạt động phối hợp giữa Hội phụ nữ 6 xã ven biển của huyện với 2 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn đều gắn với nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, hai bên phối hợp thực hiện rất hiệu quả việc tuyên truyền, vận động phụ nữ địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường; tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. “Nhiều gia đình hội viên chưa nhận thức được lợi ích, sự cần thiết của việc mua Bảo hiểm y tế. Cán bộ hội, Bộ đội biên phòng không quản ngại, xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Kết quả sau đó gần 3000 gia đình hội viên đã tham gia”, bà Ngoan cho hay.
Bà Ngoan cũng cho biết thêm: “Thời gian qua, phụ nữ 6 xã ven biển đã trồng được 6.550 m2 hoa ven đường dong, đường trục, có xã như Hải Đông, hội phụ nữ trồng được tới 3.700 m2 hoa mười giờ ven tỉnh lộ 488C, góp phần làm đẹp xóm làng”. Kết quả trên, theo bà Ngoan, đã góp phần để trong năm 2015, huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”…
Bà Lê Thị Minh- Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nghĩa Hưng:“Cán bộ Phụ nữ bây giờ
không chỉ biết hát mà còn phải biết làm kinh tế, tham gia công tác chính trị”
Tham dự tọa đàm, bà Lê Thị Minh- Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nghĩa Hưng cho rằng: mọi mặt đời sống đang phát triển, thay đổi từng ngày, để làm tốt vai trò của mình, đội ngũ cán bộ phụ nữ nói chung, phụ nữ vùng biên nói riêng cũng phải thay đổi, nâng tầm để bắt nhịp theo. “Cán bộ phụ nữ bây giờ không chỉ biết hát mà còn phải biết làm kinh tế, tham gia công tác chính trị”, bà Minh nhìn nhận.
Cho rằng việc xây dựng các mô hình đoàn kết, tập hợp phụ nữ hiện nay cần phải phù hợp, thiết thực với thực tiễn đời sống, bà Minh nêu ví dụ tại huyện Nghĩa Hưng đang thực hiện chủ trương chuyển đổi các HTX hoạt động theo luật mới, đã và đang xuất hiện nhiều các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác. “Cần phải xây dựng mô hình tập hợp phụ nữ trong các tổ liên kết, tổ hợp tác này. Để khi tham gia các chị em vừa có điều kiện sinh hoạt hội vừa có điều kiện làm kinh tế. Trước mắt, tôi đề nghị tỉnh nên xây dựng mô hình điểm về việc này”, bà nêu ý kiến.
Ông Phạm Đức Tạ, Bí thư huyện ủy Giao Thủy:
“Cần hết sức tránh những việc có tính hành chính, hình thức”.
Đại diện cấp ủy Đảng địa phương đến dự, ông Phạm Đức Tạ, Bí thư huyện ủy Giao Thủy chia sẻ: các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn xác định khu vực biên phòng là khu vực hết sức quan trọng về tất cả các mặt; lực lượng biên phòng trên địa bàn là lực lượng quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự khu vực biên phòng mà còn trong phát triển KT-XH tại khu vực này. “Chúng tôi không quan niệm đồn biên phòng là của BCH Bộ đội biên phòng tỉnh mà là đồn của chúng ta; hai đồn biên phòng trên địa bàn là hai cơ quan của huyện, trên thực tế việc lớn việc nhỏ của huyện đều cần đến vai trò của các đồng chí”, ông Tạ nhấn mạnh.
Nhìn nhận tuyến biển của tỉnh Nam Định nói chung, huyện Giao Thủy nói riêng có các đặc điểm: đang là vùng kinh tế năng động và phát triển; tập trung đông đồng bào có đạo, nhất là đồng bào theo đạo công giáo; cũng là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, trong đó tình trạng buôn bán ma túy, tranh chấp kinh tế, nhất là trên các vùng bãi nuôi trồng, khai thác ngao vạng đều đang diễn biến rất phức tạp, Bí thư huyện ủy Giao Thủy lưu ý một trong những nhiệm vụ quan trọng Bộ đội biên phòng và các cấp hội phụ nữ phải tích cực tham gia, phối hợp thực hiện đó là quan tâm xây dựng cơ sở chính trị ở các thôn xóm trên địa bàn. “Có những xóm còn rất mỏng, thiếu đảng viên, thiếu cán bộ cốt cán. Mà đã mỏng, đã thiếu thì làm sao có thể lãnh đạo, vận động, tuyên truyền được”, ông Tạ nêu thực tế.
Từ thực tế tội phạm, tệ nạn xã hội, bão gió thường xuyên đổ bộ, nhiều gia đình, nhất là gia đình công giáo còn chưa thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, ông Tạ cho rằng các cấp hội phụ nữ ở địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh, phòng ngừa, giải quyết những vấn đề này. “Một lần tôi vào trú mưa một nhà bên đường, hỏi thăm chị vợ, chị ấy bảo nhà sinh đến 8 con, chồng phải đi làm ăn xa. Đông con như vậy thì làm ăn được gì, lo sao nổi?. Không ai khác, hội phụ nữ cần phải chú trọng, quan tâm tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức cho họ”.
Nội dung ký kết thi đua giữa Bộ đội biên phòng và Hội phụ nữ địa phương
đều hướng vào mục tiêu bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh
vùng biên và phát triển KT-XH trên địa bàn…
Liên quan đến việc phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai, ông Tạ nhấn mạnh: “Từng người bà, người vợ, người mẹ, người chị phải quan tâm, phải biết trong gia đình mình, chồng hay con cháu có ai nghiện ma túy, bài bạc hay không, để tuyên truyền,vận động, thuyết phục, ngăn chặn. Không thể có việc,chồng, con nghiện hút nhưng mẹ, vợ lại không biết!”
“Nằm ven biển, bão gió thường xuyên đổ bộ. Mỗi lần như vậy, anh em chúng tôi, nhất là anh em Biên phòng rất vất vả, vận động, kêu gọi, hò hét khản cổ mà nhiều ông đang ở ngoài bãi, ngoài biển cũng không chịu vào bờ tránh trú cho án toàn. Nhưng nếu mẹ, nếu vợ gọi chắc chắn các ông ấy sẽ vào ngay. Lệnh ông không bằng cồng bà mà!”, ông Tạo dí dỏm.
Bí thư huyện ủy Giao Thủy cũng lưu ý, hai lực lượn biên phòng và phụ nữ cần thường xuyên phối hợp thông tin cho nhau; đặc biệt cần gần dân, hiểu dân; nắm vững điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình, xem tâm tư, nguyện vọng của họ ra sao? Từ đó mới tuyên truyền, vận động, có cách hỗ trợ sao cho phù hợp, hiệu quả. “Cần hết sức tránh những việc có tính hành chính, hình thức”, ông nói.
Nhân dịp này, Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định và Hội Phụ nữ ba huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã ký kết chương trình giao ước phối hợp, thi đua trong năm 2016, với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, hướng vào mục tiêu bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh vùng biên và phát triển KT-XH trên địa bàn…