Bài cuối: Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi
Ngày 25/2, trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, trong chương trình giám sát về an toàn thực phẩm, Mặt trận sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, phải làm sao để người sản xuất thấy được họ vừa là người làm ra sản phẩm nhưng cũng vừa là người tiêu dùng. Đây cũng là một cách để Mặt trận đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn.
Mặt trận đồng hành cùng các cơ quan quản lý
PV: Thưa Phó Chủ tịch, an toàn thực phẩm đang được xem là nỗi bức xúc của người dân Việt Nam khi ăn gì, uống gì cũng đều bị ám ảnh ba từ “thực phẩm bẩn”. Thực phẩm bẩn có là nỗi ám ảnh với bà?
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh: Tôi cũng như bao người phụ nữ khác, rất lo lắng cho bữa ăn gia đình. Nhưng ăn gì bây giờ khi mà những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm vẫn hàng ngày, hàng giờ được phát hiện, từ tiêm chất kích nạc cho lợn, bò đến tôm thì bơm hóa chất, hàn the, rau củ quả thì phun thuốc kích thích và thuốc trừ sâu? Cho nên, đây là nỗi lo vì không thể biết và không phải lúc nào cũng có cơ sở để tin rằng những loại thực phẩm sử dụng hằng ngày có an toàn không, có gây hại gì cho sức khoẻ không? Và thực sự ám ảnh vì chính từ những bữa ăn mà hằng ngày chúng ta chăm chút cho gia đình lại ẩn chứa sát thủ vô hình, thầm lặng, ngấm dần qua năm tháng, trở thành mầm mống của nhiều căn bệnh nan y, báo hiệu một cái chết từ từ.
Tuyên chiến với thực phẩm bẩn là cuộc chiến mà các cơ quan chức năng đã làm từ nhiều năm nay nhưng dường như mọi nỗ lực đều chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bà nghĩ gì về thực trạng này?
- ATTP luôn là vấn đề nóng bỏng và là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong đời sống xã hội. Chính vì vậy mà trong những năm qua, cùng với việc hình thành được hệ thống văn bản luật pháp tương đối đầy đủ và hệ thống quản lý được phân cấp, phân công rõ ràng, thì công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được các lực lượng tuyên truyền thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên, khi chúng ta càng nỗ lực tuyên truyền thì nhiều hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm lại càng xuất hiện dày đặc. Chứng tỏ, nhận thức, trách nhiệm về việc sản xuất thực phẩm an toàn đối với một số doanh nghiệp là không có. Nguyên nhân có thể là hệ thống tổ chức quản lý về ATTP tuy đã hình thành nhưng chưa có tại xã, phường, do đó công tác quản lý gặp khó khăn; không ngoại trừ còn có cả sự bao che, dung túng của một số cán bộ quản lý khi thi hành nhiệm vụ. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế, một bộ phận người dân nghèo, không có điều kiện lựa chọn thực phẩm sạch, nên họ phải chấp nhận một thực tế: cứ rẻ là mua, không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng. Đặc biệt, tập quán tiêu dùng của người Việt Nam đang là một trong những rào cản lớn nhất của tuyên truyền an toàn thực phẩm, như tiện đâu mua đó, ăn thức ăn đường phố mà không quan tâm điều kiện vệ sinh…làm cho nguy cơ mất an toàn thực phẩm lại càng tăng lên.
Với trách nhiệm của mình, năm 2016, bên cạnh các chương trình đã và đang giám sát, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chọn việc giám sát an toàn thực phẩm. Lý do vì sao Mặt trận lại chọn nội dung giám sát là an toàn thực phẩm, thưa bà?
- Chọn giám sát an toàn thực phẩm trước hết là vì nhu cầu bức thiết từ đời sống khi mà vi phạm an toàn thực phẩm đã trở thành vấn nạn. Và đây cũng là một cách để Mặt trận đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn đồng thời khẳng định trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Mặt trận mong muốn sẽ chỉ ra được những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất có tâm, có trách nhiệm trong việc sản xuất ra thực phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng. Và cũng là một cách phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ ra được những cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm để xử lý theo pháp luật.
Lập danh sách các hộ sản xuất ở khu dân cư
Chọn giám sát an toàn thực phẩm nghĩa là Mặt trận sẽ phải dấn thân vào một hành trình vô cùng gian nan. Theo bà, đâu là những thách thức mà người Mặt trận sẽ phải vượt qua và đâu là cơ sở vững chắc để chúng ta tin rằng, chương trình này sẽ đạt được hiệu quả cần có?
- Giám sát an toàn thực phẩm là việc rất khó. Khó vì vi phạm an toàn thực phẩm là quá nhiều. Cái chúng ta biết chỉ là những thứ hữu hạn còn những điều không biết, không thấy lại vô hình. Trong khi đó, thực trạng sản xuất hiện nay ở Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ với quy mô sản xuất hộ cho nên việc giám sát an toàn thực phẩm gặp một trở ngại đó là đối tượng rà soát rất rộng, từng hộ gia đình và không có địa chỉ cụ thể để giám sát. Làm thế nào để giám sát? Một mình Mặt trận không thể làm được mà cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể. Với yêu cầu mỗi một đoàn thể phải vận động đoàn viên, hội viên của mình nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất những thực phẩm không an toàn. Chúng ta phải tuyên truyền làm sao để họ thấy được, họ vừa là người sản xuất nhưng cũng vừa là người tiêu dùng.
Có thể hiểu, cách làm của Mặt trận sẽ tập trung tuyên truyền và nâng cao nhận thức?
- Đúng vậy. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là một trong những cách thức mà chúng tôi sẽ làm. Đó là ở khu dân cư, Ban CTMT và các tổ chức đoàn thể cố gắng lập được danh sách các hộ gia đình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để theo dõi, vận động và đưa nội dung thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm là một tiêu chí để đánh giá đó có phải là một gia đình văn hóa hay không. Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất với các Bộ, ngành trong giám sát ATTP là phải có chỉ tiêu để từ khu dân cư, từ xóm thôn đến xã, phường phải có được hồ sơ, danh sách của các hộ sản xuất vì nếu không quản lý thì chúng ta không thể giám sát, theo dõi được. Đó cũng chính là bài học kinh nghiệm được rút ra từ chương trình giám sát Tổng rà soát Chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015.
Hiện nay Mặt trận đã và đang thực hiện 8 chương trình giám sát. Kinh nghiệm cho thấy, các chương trình giám sát của Mặt trận luôn cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý, bộ, ban ngành và chính quyền các cấp. Với chương trình giám sát an toàn thực phẩm, theo bà, Mặt trận cần thêm những cơ chế gì để thực sự có được vũ khí sắc bén trong cuộc chiến với thực phẩm không an toàn?
- Thực ra công tác tuyên truyền vận động người dân về việc thực hiện an toàn thực phẩm, Mặt trận đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều năm nay rồi. Trong chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ và Bộ Y tế có Chương trình phối hợp 363 đã thực hiện từ năm 2013 đến nay. Trong đó có một nội dung tuyên truyền vận động và giám sát an toàn thực phẩm. Ở mức độ phối hợp giữa Mặt trận và Bộ Y tế, chúng tôi cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ sở sản xuất, cũng như nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng để phân biệt, biết được an toàn thực phẩm là gì, những sản phẩm nào là sản phẩm sạch, sản phẩm nào là sản phẩm không nên dùng.
Tuy nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm, không phải một mình ngành Y tế mà còn có nhiều ngành liên quan như ngành Nông nghiệp, ngành Công thương…Cho nên từ trách nhiệm liên ngành, chúng tôi thấy rằng rất cần phải có sự phối hợp giữa Chính phủ với UBTƯ MTTQ Việt Nam để từ sự phối hợp này chúng ta mới có các hướng dẫn xuống các cấp. Trong đó Chính phủ cần chỉ đạo chính quyền các cấp để tăng cường phối hợp với Mặt trận trong các công tác phối hợp tuyên truyền, giám sát an toàn thực phẩm. Khi đó, công việc mới được các cấp triển khai một cách triệt để và theo đúng yêu cầu của chương trình giám sát an toàn thực phẩm đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!