Cần có kế hoạch dự báo dài hạn, trung hạn
Ông Phạm Thế Vinh - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi ngắn với PV Đại Đoàn Kết.
PV: Xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày một tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sạch cho người dân TP. HCM, ông đánh giá thế nào về tình hình này?
Ông Phạm Thế Vinh: - El Nino kéo dài khiến khu vực Nam bộ rất ít mưa. Ngoài ra, việc triều cường đến tận tháng 2, 3 khiến nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông. Trước đây khi chưa xây dựng các công trình khai thác nguồn nước, đặc biệt là các hồ chứa lớn như Dầu Tiếng, Trị An, các bậc thang thủy điện trên sông Bé thì mặn xâm nhập khá sâu. Ví dụ trên sông Đồng Nai ranh mặn 1g/l có thể xâm nhập trên hoặc dưới cầu Đồng Nai 10km tùy thuộc vào từng năm nhiều nước hay ít nước. Sau khi xây dựng các hồ chứa đã góp phần tích cực giúp đẩy mặn trên sông.
Tuy nhiên, có một thực tế là khi xây dựng các hồ ranh mặn bị đẩy lùi thì các hoạt động khai thác của con người như tăng diện tích đất canh tác, xây dựng các nhà máy cấp nước cho sinh hoạt gia tăng khiến cho nguồn nước từ thượng lưu ra biển giảm đi, dẫn tới xâm nhập mặn tăng lên. Có thể nói xâm nhập mặn đối với khu vực hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai là khá nghiêm trọng, năm nào cũng đe dọa đến việc cấp nước. Trong năm 2016, mặn xâm nhập khá sâu và Hồ Dầu tiếng đã phải xả 4 lần và lần sau cùng từ 18 đến 24-2 với lưu lượng xả 30m3/s.
Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào?
- Ứng phó xâm nhập mặn, cần phải có sự kết hợp giữa các cơ quan ban ngành, các cơ quan nghiên cứu. Tuy nhiên, theo tôi để cảnh báo xâm nhập mặn cần phải có thông tin, số liệu cụ thể, tức thời về nồng độ mặn các vị trí; các kế hoạch xả nước phát điện, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp…trên cơ sở đó đưa ra dự báo mặn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn để điều chỉnh lại các kế hoạch xả nước tốt nhất có thể. Vấn đề này có thể thực hiện được ngay và rất hiệu quả, kinh phí không lớn. Đối với địa phương, cần lấy nước cho sản xuất vào lúc mặn không cao. Đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!