Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà ở Đà Nẵng bị phá: Kiểm lâm không biết?
Ngày 25/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện một diện tích lớn rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà tại tiểu khu 62 bị chặt phá. Tại hiện trường, trước sự đùn đẩy trách nhiệm của các bên liên quan, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã khẳng định: “Phá rừng diễn ra cả tháng trời mà nói kiểm lâm không biết là có vấn đề!”.
Vị trí đầu tuyến đường mở trái phép ở tiểu khu 62 KBTTN Sơn Trà từ tháng 11/2015.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết ngày 18/11/2015 có bài “Mở đường trái phép ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà”, đề cập đến việc một con đường dài gần 1 km, bề ngang nơi rộng nhất lên đến gần 4 m, đủ để một chiếc xe Jeep lưu thông, được mở ngay KBTTN Sơn Trà. Con đường này được nhóm người lạ mặt mang dụng cụ đến mở từ những ngày đầu tháng 11-2015 nối từ đường bê tông trên triền núi (tại vị trí cách cảng Tiên Sa khoảng 1,5 km) xuống sát mép biển, có độ dài gần 1 km. Do KBTTN Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia nên sự xuất hiện công khai của nhóm người lạ cùng với lương thực, phương tiện chặt cây, mở đường tại vị trí này khiến nhiều khách du lịch nhầm tưởng nhóm người lạ nói trên được cơ quan có trách nhiệm cho phép. Hạt Kiểm lâm liên quận (KLLQ) Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn có trụ sở đóng gần nơi con đường được mở, chỉ phát hiện, lập biên bản khi con đường được mở xong.
Sau khi báo phản ánh, ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đã chỉ đạo kiểm tra với cam kết sẽ thông báo công khai kết quả xử lý vụ việc. Ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng KLLQ Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn sau đó cũng đã cung cấp cho chúng tôi biên bản đình chỉ việc mở đường trái phép nói trên của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (trú tại tổ 23D, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu vực rừng này vẫn tiếp tục bị chặt phá với mức độ mạnh hơn trong sự thờ ơ đến khó hiểu của lực lượng kiểm lâm được giao nhiệm vụ giữ rừng.
Tại thời điểm kiểm tra sáng ngày 25/2, cơ quan chức năng ghi nhận ông Nguyễn Văn Tâm thuê người chặt phát thảm rừng, mở đường, làm lán trại trái phép trong thời gian dài mà lực lượng kiểm lâm ở đây không hề hay biết. Đứng trước diện tích lớn rừng bị chặt phát tan hoang, khô héo, ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng KLLQ Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho rằng “diện tích rừng này đã được giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý!?”. Trong khi đó, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang lại cho rằng: “Phá rừng, mở đường dựng lán trại trái phép ở rừng Sơn Trà là do kiểm lâm lơ là, không làm tròn trách nhiệm. Phá rừng diễn ra cả tháng trời mà hàng chục kiểm lâm ăn lương Nhà nước không biết, trong khi chỉ cần một người dân lên rừng cũng đủ phát hiện chuyện phá rừng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay không chỉ có rừng ở tiểu khu 62 bị phá mà nhiều khu vực rừng khác ở 2 bên tuyến đường bê tông công vụ quanh bán đảo Sơn Trà bị chặt phát trơ trụi, khô héo mà kiểm lâm không hề hay biết. Đơn cử là các vạt rừng bên dưới Hố sâu. 2 cánh cổng sắt chắn ngang con đường bê tông công vụ ở phía trên ngọn hải đăng Bãi Bắc sau khi báo Đại Đoàn Kết đăng tải bài viết, được tháo dỡ thì sau Tết Nguyên đán, một số người dân phản ánh đã được dựng lại. Đáng lo ngại hơn cả là hiện nay tại khu vực tiểu khu 62 đang có một dự án quy mô được triển khai rốt ráo, đe dọa sinh cảnh sống của ít nhất 7 – 8 bầy đàn với trên 100 cá thể Vọoc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm, được xếp vào danh mục bảo tồn vô điều kiện.
Quảng Nam: Bắt giam Phó giám đốc phụ trách BQL Rừng phòng hộ Đắk Mi Ngày 24/2, tại Ban quản lý Rừng phòng hộ Đắk Mi (BQL RPHĐM), đóng tại thôn 10, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt bị can, tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Cường (SN 1957, trú xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn), Phó giám đốc phụ trách BQL RPHĐM về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng ngày, CQĐT cũng tiến hành lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Cường, qua đó đã thu giữ một số tài liệu liên quan. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ ngày 28/10/2013 đến ngày 12/4/2014, BQL RPHĐM đã 5 lần tiến hành kiểm tra về hành vi khai thác lâm sản gỗ trái phép trong lâm phận quản lý của mình, qua đó đã tạm giữ trên 45m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Theo quy định, sau khi tạm giữ số gỗ trên, BQL RP phải chuyển cho các ngành chức năng để xử lý, nhưng lúc này trên cương vị Phó giám đốc phụ trách BQL RPHĐM , ông Cường đã không chỉ đạo chuyển số gỗ trên mà tự ý đem bán, cho một số cá nhân và sử dụng làm nhà, trạm cho các bộ phận của Ban. Qua định giá, cơ quan chức năng xác định số gỗ trên có giá trị hơn 252 triệu đồng. Tấn Thành |