Đưa chiến tranh biên giới, chủ quyền vào SGK: Đừng chờ đợi
GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về chủ đề được dư luận xã hội bàn luận trong những ngày qua- chủ đề đưa chiến tranh biên giới, chủ quyền vào sách giáo khoa phổ thông.
GS.TS Vũ Minh Giang.
PV: Thưa, ý kiến của ông như thế nào khi dư luận bàn luận sôi nổi về vấn đề nội dung của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, cũng như Hoàng Sa, Trường Sa còn quá mờ nhạt trong sách giáo khoa (SGK) Lịch sử?
GS.TS Vũ Minh Giang: Cho đến nay, cuộc chiến tranh Trung Quốc tấn công vào nước ta năm 1979 đưa một cách rất tượng trưng, chỉ có hơn 10 dòng trong SGK. Còn Hoàng Sa, Trường Sa thì gần như chưa được đưa vào. Dư luận đã nói nhiều. Cách đây hơn 2 năm trong buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thủ tướng cũng có chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GD&ĐT phải khẩn trương khắc phục tình trạng này. Có nghĩa là phải nghiên cứu đưa nội dung liên quan đến phần rất quan trọng của lịch sử đất nước vào SGK.
Vậy theo ông, trong SGK mới nên đưa nội dung lịch sử này vào như thế nào thì phù hợp?
- Việc đưa những sự kiện lịch sử này vào SGK, trước hết là để đảm bảo, tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Đấy là một phần không hề nhỏ, nếu không nói rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Năm 1979, Trung Quốc đã đưa một lực lượng tới 600 ngàn quân để đánh trên toàn tuyến biên giới, và thời gian chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam tới trên 1 tháng gây cho Việt Nam rất nhiều tổn thất.
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đội quân phương Bắc với những mục tiêu khác nhau tấn công Việt Nam cũng đã nhiều lần. Chúng ta phải ghi vào SGK để học sinh học tập, trước hết là tôn trọng sự thực khách quan. Lịch sử không nói tới, nghĩa là không có. Nếu chúng ta không nói, nghĩa là đã phạm lỗi che dấu lịch sử, huống hồ đây lại là sự kiện lịch sử rất lớn. Cái thứ hai quan trọng hơn, việc đưa vào SGK còn là nhắc nhở các thế hệ trẻ mai sau về truyền thống chống ngoại xâm của cha ông. Và đặc biệt, Trung Quốc với Việt Nam cũng có quan hệ láng giếng đặc biệt. Việc chúng ta đưa vào SGK một cách khoa học, không nhằm kích động hay khơi dậy hiềm khích hận thù trong quá khứ mà chỉ ra bài học xương máu cho hai nước, để tránh xung đột đáng tiếc như vậy trong tương lai. Tôi nghĩ là hết sức cần thiết.
Còn đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, đây đang là vấn đề nóng. Mà trên thực tế ai cũng biết, cả thế giới biết, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa rồi, và một số đảo của quần đảo Trường Sa. Những sự kiện đó cũng là sự kiện mà không thể nào bỏ qua. Chúng ta đã tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau là bảo vệ chủ quyền của dân tộc, thì cũng phải cho người ta biết là quần đảo đó ông cha ta đã phát hiện, khẳng định chủ quyền, khai thác như thế nào trong lịch sử, và mất trong hoàn cảnh nào.
Chúng ta cần đưa vào, để còn nhắc nhở nhau, nhắc nhở thế hệ mai sau có ý thức sâu sắc về chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo ông, những nội dung này nên bổ sung học từ cấp học nào thì hợp lý?
- Hiện chương trình lịch sử cho các cấp còn chưa rõ nên tôi góp ý: Trước đây chúng ta dạy theo cuốn chiếu, càng những sự kiện xa xưa thì dạy ở cấp dưới, còn những sự kiện gần đây thì dạy ở cấp trên. Nhưng như vậy có vẻ chưa hợp lý. Mà người ta có cách dạy nhận thức đồng tâm, tức là một vòng kín về lịch sử dân tộc. Nhưng dạy cấp thấp thì giản lược thôi, lên trên thì dạy sâu hơn. Đương nhiên với những sự kiện ở thời cận đại, hiện đại thì sẽ dạy ở chương trình có thời gian ấy, chẳng hạn việc phát hiện, khẳng định chủ quyền của 2 đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì dạy cùng những sự kiện liên quan trong khoảng thế kỷ 17, 19. Còn sự kiện ta mất đảo, hay Trung Quốc chiếm 1 số đảo của Trường Sa thì diễn ra ở những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Tùy theo giai đoạn lịch sử để dạy ở lớp học tương đương.
Chương trình SGK mới đến năm 2018 mới áp dụng, tức là trong thời gian này, học sinh vẫn không được tiếp cận với những nội dung lịch sử quan trọng, thưa ông?
- Thực ra tôi suy nghĩ, nếu thấy đây là những vấn đề cần thiết, có thể có những bài giảng bổ sung cho lịch sử. Chúng ta không nên gượng ép phải đưa vào SGK, hay chờ ngày nào có SGK mới đưa vào. Đó là một cách tiếp cận tôi thấy chưa thật đúng với tinh thần của sự kiện này.
Tôi cho rằng, đưa những nội dung đó vào ngay thời điểm này cũng đã là quá muộn. Muộn vì dư luận bức xúc lâu rồi. Thủ tướng chỉ đạo cũng đã hơn 2 năm rồi. Chúng ta cần phải khắc phục ngay bằng cách soạn những bài giảng bổ sung, không ai cấm cái này cả. Bộ đã có chương trình lịch sử ở thời điểm đó, chỉ cần bổ sung nội dung lịch sử này vào, để học sinh có cái để học.
Để bộ SGK mới về lịch sử được hoàn chỉnh, cũng như giúp học sinh có cách học lịch sử tốt nhất, ông có kiến nghị gì không?
- Hiện nay chúng ta vẫn có cách dạy thiên về kiến thức nội dung cụ thể. Cách dạy này khó lòng dạy môn sử nhẹ nhàng được. Bởi lịch sử là môn học có rất nhiều những thứ phải nhớ như nhân dạng, địa danh, diễn biến, số liệu...
Trong khi, thời đại của chúng ta là thời đại công nghệ thông tin, để tìm hiểu kiến thức cụ thể không khó, trên mạng rất nhiều và tra cứu rất dễ. Làm sao phải chuyển từ tiếp cận nội dung kiến thức cụ thể sang tiếp cận phương pháp và kĩ năng. Nghĩa là giáo viên phải dạy cho học sinh cách nào để yêu thích lịch sử, dạy học sinh biết cách tra cứu tìm tòi kiến thức… Cái đó tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn.
Thứ 2 phải khắc phục sớm nội dung còn khuyết thiếu của SGK. Không chờ đến ngày nào đó người ta in SGK mới chữa lại, mà bổ sung bằng nhiều cách.
Có những bài giảng bổ sung thì thầy giáo có thể giảng dạy được. Nhưng các nhà quản lý có ý thức đó không? Hay lại chờ đợi? Nếu nhận thức đúng, ý thức đầy đủ về tính quan trọng này thì tôi cho phải bắt tay làm ngay chứ không chờ đến khi có SGK mới. Còn làm sao để có thể có nội dung tốt, thì phải có trao đổi gặp gỡ, thảo luận. Thậm chí có đề án nghiêm túc với các nhà chuyên môn, các nhà sử học thì mới có nội dung tốt cho việc giảng dạy…
Trân trọng cảm ơn ông!