Chuỗi cung ứng thiết bị chế bom của IS ở 20 quốc gia

Khánh Duy 26/02/2016 08:25

Nhiều công ty tại 20 quốc gia hiện đang bị nghi có dính líu tới một đường dây chuyên cung cấp các thành phần chế tạo thuốc nổ cho tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - một nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) công bố hôm 25/2 cho hay.

Chuỗi cung ứng thiết bị chế bom của IS ở 20 quốc gia

Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Nguồn: AP)

Dễ dàng mua các thiết bị chế bom

Báo cáo mới nhất của EU cho thấy rằng, 51 công ty đến từ nhiều quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, và Mỹ; đã bán hoặc nhận được trên 700 thiết bị mà tổ chức khủng bố IS sử dụng để chế tạo các thiết bị nổ tự chế (IED).

Hiện nay IED đang được IS sản xuất theo một quy mô lớn, gần ngang với quy mô công nghiệp, mà trong đó sử dụng các thành phần có thể dễ dàng kiếm được từ các sản phẩm thông dụng khác trên thị trường như các chất hóa học, phân bón hay điện thoại di động - Viện Nghiên cứu Xung đột Vũ trang (CAR) trong nghiên cứu mới đây nhận định.

IS hiện đang kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO – chia sẻ đường biên giới với cả hai quốc gia này, đã thắt chặt tình hình an ninh trong nước để ngăn chặn nguồn vũ khí và phiến quân tuồn vào tay IS – nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.

Hiện có khoảng 13 công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị phát hiện có liên quan tới chuỗi cung ứng các thiết bị chế bom của IS, nhiều nhất trong số danh sách các nước mà EU nêu ra, chỉ đứng sau Ấn Độ - 7 công ty.

“Những phát hiện này sẽ cho cộng đồng quốc tế nhận thức được rằng lực lượng của IS ở Iraq và Syria vẫn đang duy trì tốt – chúng nhận được hàng hóa chiến lược và vũ khí, như các thành phần chế tạo IED” – James Bevan, Giám đốc điều hành của CAR cho hay.

Do các thành phần dùng để chế tạo bom tự chế rất sẵn và dễ dàng được mua với giá rẻ, trong khi lại nằm trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu của chính phủ nhiều nước, nên có thể dễ dàng tới tay IS ngoài ý muốn của các công ty nói trên. Báo cáo trên cho hay, IS có thể dễ dàng đặt hàng các thành phần chế bom chỉ trong vòng chưa đầy một tháng sau khi đăng ký mua với các công ty trong khu vực. Điều này cho thấy sự quản lý còn yếu kém của nhiều công ty.

“Nhiều công ty có hệ thống kiểm toán hữu hiệu hoàn toàn có thể lần ra hàng hóa của họ đã đi đâu” – Ông Bevan nói.

Từ chối hợp tác

Thế nhưng, ông Bevan cho hay một số chính phủ, như Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại từ chối hợp tác với cuộc điều tra của CAR, nên họ không thể xem xét được hệ thống quản lý nguồn hàng của nước này hiệu quả đến đâu trong khi, chính quyền nước này cũng không có bình luận gì về sự việc.

Trong khi đó, CAR đã nhận được sự chấp thuận của một số đối tác khác như lực lượng người Kurd YPG ở Syria, lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, Hội đồng An ninh Khu vực người Kurd…để có thể tiếp cận được số hàng hóa bị IS lạm dụng cho mục đích chế tạo bom. Các hàng hóa này mới đây đã được thu hồi sau các trận chiến lớn ở các thị trấn ở Iraq như al Rabia, Kirkuk, thành phố Mosul và Tikrit, và ở thị trấn chiến lược Kobani của Syria - CAR cho hay.

Các nhà nghiên cứu tham gia vào báo cáo trên nói rằng họ đã cố liên hệ với phía các công ty có liên quan tới các thiết bị này, nhưng lại không nhận được lời đáp trả hoặc đôi lúc còn tuyên bố rằng phía công ty không chịu trách nhiệm nơi mà hàng hóa của họ đến sau khi đã được mua.

Theo CAR, ở Ấn Độ, có 7 công ty sản xuất hầu hết các thành phần mà IS dùng để chế thiết bị kích nổ, dây dẫn và chốt an toàn. Tất cả các thành phần trên đều được xuất khẩu một cách hợp pháp theo quy định của chính phủ nước này đến Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một số công ty khác ở Brazil, Romania, Nga, Hà Lan, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Áo và Cộng hòa Séc cũng có liên quan tới chuỗi cung ứng trên - Báo cáo cho hay.

IS mới đây tung lên mạng một đoạn video đe dọa người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey; trong đó có các bức ảnh của họ bị găm đầy lỗ đạn. Trong video kéo dài 25 phút này mới tung lên, IS nói rằng: “Các người không thuộc liên minh của chúng tôi. Đóng 1 tài khoản, chúng tôi sẽ lấy lại 10 và sớm muộn thì tên của các người cũng sẽ bị xóa sổ”. IS cũng tuyên bố rằng chúng đang kiểm soát hơn 10.000 tài khoản Facebook, 150 nhóm Facebook và khoảng 5.000 tài khoản Twitter.

Khánh Duy