Nóng chuyện nhập thiết bị cũ
Đó là vấn đề được Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường (KHCNMT) Trần Thị Quốc Khánh đặt ra khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) về chương trình giám sát chuyên đề về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”, diễn r
Thiết bị máy móc cũ nhập khẩu. Ảnh minh họa.
Nhập khẩu vì giá cạnh tranh?
Sau khi bày tỏ tình trạng cử tri băn khoăn về vấn đề nhập toa tàu cũ, nhập khẩu xe máy điện, xe đạp điện, bà Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề: “Bên cạnh vấn đề nhập toa tàu cũ, thì có xe máy điện, xe đạp điện. Chúng ta có sản xuất được không? Tại sao cứ phải nhập về, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không do nhập khẩu thiết bị cũ mang lại”. Bà Khánh cũng đề nghị tăng cường hệ thống giám sát hành trình.
Trả lời ĐB Khánh về việc nhập khẩu thiết bị cũ liệu có gây ô nhiễm môi trường không, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, về chất lượng thiết bị hiện Bộ GTVT được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng phương tiện.
Theo đó, Bộ đã ban hành các thông tư, hệ thống tiêu chuẩn, thỏa mãn cho các doanh nghiệp tiến tới hội nhập quốc tế. Để hỗ trợ ngành chế tạo trong nước, đang sửa đổi các thông tư để hài hòa giữa quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong 10 năm qua, Bộ đã chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở vật chất mạnh mẽ cho cục bao gồm hệ thống đăng kiểm toàn quốc, sản phẩm được kiểm tra ngay tại cửa khẩu. Bộ đã xây dựng trung tâm kiểm soát khí thải ô tô, xe máy. Hiện đã kiểm tra được tiêu chuẩn Euro 2.
Cũng theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, công nghệ, xe khách bây giờ phần chính phải nhập khẩu. Chúng ta mới sản xuất được khung xe, nội thất. Về lốp xe mới sản xuất được cho xe tải, còn xe khách vẫn phải nhập khẩu vì giá thành nhập khẩu rẻ hơn sản xuất trong nước...
Về vấn đề thiết bị giám sát hành trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiết bị giám sát hành trình đang triển khai và rất hiệu quả. Hiện tại đang áp dụng với xe vận tải chở khách và taxi, và tới đây áp dụng với các loại xe vận tải khác.
Về chống ùn tắc tại các trạm thu phí, theo ông Cường, hiện đang triển khai cơ chế thu phí không dừng xe. Nếu triển khai được việc thu phí không dừng, thì ngoài việc giảm ách tắc giao thông, tiết kiệm thời gian còn giám sát được số thu.
“Hiện mới có 3 trạm thí điểm, có các loại công nghệ khác nhau vấn đề là cần tích hợp để không gây phiền hà cho những người sử dụng các loại công nghệ khác nhau. Tổng cục sẽ phối hợp để sớm triển khai cơ chế thu phí không dừng phấn đấu đến 30/6 sẽ triển khai toàn quốc”- ông Cường cho hay.
Quản lý thiết bị giao thông tự chế
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Xuân Hùng, trong thực tế, tư nhân và nhiều người dân làm ra các vật thể bay, tàu ngầm, ôtô tự chế.
“Vậy thì quy chế quản lý đối với các thiết bị giao thông tự chế này như thế nào? Tới đây có cần phải có cơ chế quản lý hay không hay để người dân tự do mua ốc vít ở chợ về lắp ráp các thiết bị bay?”- ông Hùng nêu vấn đề, đồng thời đề nghị làm rõ việc theo quy định thì xây dựng mới đường sắt là khổ 1,435m nhưng hiện nay chủ yếu vẫn là đường sắt khổ 1m dẫn tới việc vẫn phải dùng các đường ray cũ, toa tàu cũ.
Đối với quản lý xe tự chế, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, những xe người dân làm ra, không tham gia giao thông thì không vấn đề gì. Đây là quyền tự do sáng tạo của người dân. Còn nếu người dân mang các thiết bị tự chế tham gia giao thông thì phải quản lý theo các quy định phạm luật để bảo đảm an toàn chung cho người tham gia giao thông.
Về an toàn giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện đang áp dụng KHCN vào bảo đảm an toàn giao thông. Ngành đang triển khai phạt nguội qua hệ thống camera.
Giải trình về việc hiện nay chủ yếu vẫn là đường sắt khổ 1m, ông Đặng Sỹ Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, nhân công để bảo trì, bảo đảm an toàn đến nay là gần 40 ngàn người. Để giảm số lượng nhân công thì phải áp dụng KHCN. Theo ông Mạnh, hiện 85% là đường ray 1m. Đường 1m vẫn đang tồn tại và nâng cấp để chạy. Song song với việc đó là nghiên cứu xây dựng đường ray mới, khổ đường phải là 1,435m.
Ông Mạnh cũng cho rằng, điều hành giao thông đường sắt có ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều tuyến đường áp dụng cơ chế điều hành thủ công. Để phát triển ngành đường sắt, hàm lượng KHCN trong quy hoạch phát triển đường sắt ông Mạnh bày tỏ khó khăn khi cho rằng phải có cơ chế ưu đãi đầu tư trong phát triển kết cấu, hạ tầng đường sắt.