Đại biểu Quốc hội phải tự đổi mới mình
Ông Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định với Đại Đoàn Kết “Trong kỳ bầu cử lần này các ĐBQH buộc phải tự đổi mới mình để có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tươi trẻ hơn và biểu đạt được khát vọng của dân tộc”.
Ông Nguyễn Lân Trung.
PV:Là lãnh đạo của tổ chức đại diện cho tiếng nói của kiều bào ở trong nước, theo ông bà con Việt kiều ở nước ngoài hưởng ứng kỳ bầu cử ĐBQH như thế nào?
Ông Nguyễn Lân Trung: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt không thể tách rời của tổ quốc. Thời gian qua, hơn 4,5 triệu người Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, đóng góp rất nhiều trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt Nam ở nước ngoài dù xa Tổ quốc nhưng tấm lòng họ vẫn hướng về đất nước và họ cần có người đại diện cho tiếng nói của mình tại những diễn đàn như Quốc hội.
Trong kỳ bầu cử ĐBQH lần này, Hội Người Việt Nam ở nước ngoài, một thành viên của MTTQ Việt Nam vinh dự có được một chỉ tiêu tham gia ứng cử vào ĐBQH và chúng tôi cũng đã thực hiện theo đúng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho rằng tiếng nói của Kiều bào trong bối cảnh chính trị - xã hội – kinh tế trong và ngoài nước hiện nay rất quan trọng, do đó đề nghị có một cơ chế để kiều bào ta ở nước ngoài có ý kiến rộng rãi hơn về các vấn đề trong nước, quốc tế.
Trong các kỳ bầu cử trước, Hội Người Việt Nam ở nước ngoài có ứng cử viên được giới thiệu vào ĐBQH hay không?
- Các khóa trước, Hội Người Việt Nam ở nước ngoài cũng có đại diện của Hội trúng cử như GS. Nguyễn Lân Dũng. Khóa gần đây nhất chúng tôi cũng có một vị nguyên là Chủ tịch của Hội tham gia nhưng không trúng cử vì những phần mục lục, lý lịch trích ngang không được giới thiệu kỹ khiến cử tri cảm thấy chưa đủ uy tín, lần này chúng tôi lại tiếp tục giới thiệu. Cử tri Việt kiều mong muốn có một cơ chế nào đó để những ý kiến của bà con Việt kiều được trân trọng hơn.
Khóa này, qua lựa chọn, sàng lọc chúng tôi đã nhất trí đề cử ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài… Kỳ bầu cử này với uy tín của ông Nguyễn Phú Bình, chúng tôi tin sẽ có được người đại diện không chỉ cho thân nhân kiều bào ở trong nước mà cả cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là vinh dự lớn mà chúng tôi mong muốn cử tri của đơn vị ông Nguyễn Phú Bình được giới thiệu sẽ ủng hộ chúng tôi có được người đại diện của mình tại nghị trường Quốc hội.
Hội Người Việt Nam ở nước ngoài đã làm gì để cho bà con Việt kiều dù ở xa Tổ quốc nhưng vẫn hiểu hết tầm quan trọng, ý nghĩa của kỳ bầu cử lần này, thưa ông?
- Qua trang mạng và qua trao đổi trực tiếp chúng tôi đã giới thiệu với bà con kiều bào về kỳ bầu cử và bà con cũng nắm bắt thông tin rất nhanh. Mặc dù, bà con ở xa Tổ quốc nhưng lại rất chú ý đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, đặc biệt trong kỳ Đại hội Đảng vừa qua và kỳ này là bầu cử ĐBQH - hai hoạt động chính trị quan trọng, bà con hướng đến với nhiều ý kiến hỏi đáp khác nhau.
Với tư cách đại diện cho bà con ở trong nước chúng tôi cũng đã có thông tin, thông báo cho bà con về tình hình diễn biến của Đại hội Đảng cũng như của kỳ bầu cử ĐBQH sắp tới để bà con nắm rõ hơn.
Bản thân ông cũng là một cử tri, vậy trong kỳ bầu cử ĐBQH lần này ông có kỳ vọng gì cho những ứng cử viên tham gia tranh cử thời gian tới?
- Theo tôi, đất nước đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của sự phát triển CNH – HĐH đất nước. Có thể nói năm 1986, đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới lần thứ nhất phải chăng sau Đại hội Đảng và sau nhiệm kỳ ĐBQH (2016 - 2021) chúng ta sẽ có một công cuộc đổi mới toàn diện hơn với những nội dung và hình thức mới. Vì thế, trước những biến động trong nước, quốc tế những vị ĐBQH trong giai đoạn tới cũng phải tự đổi mới mình. Hiện nay có một điều đáng mừng Đảng ta đã đổi mới rất nhiều.
Tôi cho rằng sự đổi mới trong Đảng sẽ lan sang sự đổi mới trong ĐBQH, trong Nghị viện để những vị ĐBQH sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tươi trẻ hơn, biểu đạt được khát vọng của dân tộc trong giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng hiện nay.
Vấn đề ĐBQH là người ngoài Đảng cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng MTTQ Việt Nam cần có vai trò cao hơn nữa, hơn 40 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cũng nêu cao vai trò của mình hơn nữa để góp phần nâng cao nhận thức chính trị trong nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!