Vụ tàu cũ của Trung Quốc: Xem xét kỷ luật Chủ tịch Đường sắt VN
Ngày 26/2, lãnh đạo Bộ GTVT đã có kết luận xung quanh việc nhập khẩu 164 toa xe đã qua sử dụng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), đồng thời khẳng định Bộ GTVT sẽ thực hiện các quy trình thủ tục xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN. Vậy, người đứng đầu Tổng công ty này liên quan như thế nào đến vụ việc này?
Bộ GTVT sẽ xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN
trong việc chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư chưa đúng chủ trương.
“Hai năm rõ mười” chưa?
Bộ GTVT cho biết, qua đánh giá của Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 480/QĐ-BGTVT ngày 15-2-2016 của Bộ GTVT nhận thấy: Tại Danh mục các dự án phát triển phương tiện đường sắt giai đoạn 2012-2015 kèm theo Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 7/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, Tổng Công ty ĐSVN, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã có chủ trương thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu mua toa xe đã qua sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Trước đó, tại văn bản số 399 ngày 15/10/2014 (xem ảnh, có bút phê) của Ban Kế hoạch - Kinh doanh Tổng Công ty ĐSVN gửi Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Ngọc Thành và Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng đã khẳng định việc mua toa xe đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh, Trung Quốc, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN ngày 3/9/2014 tại bút phê văn bản số 229/ĐS-QTCN ngày 29/8/2014.
Chủ trương đầu tư nói trên được đề xuất theo 2 phương án. Phương án 1 là Tổng Công ty ĐSVN là chủ đầu tư. Phương án 2 là Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư, tức Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội hiện nay.
Theo đó, do các toa xe này chỉ đủ khả năng khai thác từ Vinh ra Bắc và từ năm 2015 các công ty vận tải sẽ trở thành đơn vị hạch toán độc lập nên giao cho Công ty khách Hà Nội làm chủ đầu tư. Nguồn vốn của dự án là vốn khấu hao tài sản cố định khối vận tải và vốn vay ngân hàng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư.
Cũng trước đó, từ ngày 25 đến 27/5/2014, đích thân Chủ tịch Hội đồng thành viên ĐSVN Trần Ngọc Thành đã dẫn “bầu đoàn thê tử” đi Côn Minh (Trung Quốc) với 2 nhiệm vụ chính, được thể hiện tại văn bản số 148/TB – ĐS, cụ thể như sau: “1. Thăm và làm việc với Cục Đường sắt Côn Minh về việc hợp tác giữa hai bên, tìm hiểu hoạt động của Cục Đường sắt Côn Minh sau tái cơ cấu ngành đường sắt Trung Quốc. 2. Khảo sát thực tế và thảo luận việc mua toa xe hàng khổ đường 1.000mm đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh”.
Ngoài ra, chủ trương mua toa xe cũ đã qua sử dụng của Trung Quốc, đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định bằng nhiều loại văn bản. Cụ thể, trong thông báo ngày 5/5/2015 về chúng loại và giá thành toa xe nhập của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi điện cho các công ty con gồm Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, Công ty CP Vinalines logistic Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ đường sắt Hải Phòng, Công ty CP Vận tải & Thương mại đường sắt (RATRACO) nghiên cứu chủng loại và giá các loại toa xe có nhu cầu cần mua.
Theo đó, giá giao toa xe tại Lào Cai với tình trạng chưa sửa chữa đối với chủng loại C31 là 89.326,54 NDT/xe, G30 là 72.223,85 NDT/xe; giá giao toa xe tại Lào Cai sau khi đã đại tu với loại C31 là 229.455,68 NDT, loại G30 là 201.378,45 NDT/xe; giá giao toa xe tại Lào Cai sau khi đã thay bánh xe, hộp trục với loại C31 là 171.102,77 NDT/xe, loại G30 là 154.00,07 NDT/xe.
Quy đổi ra tiền Việt là 315 triệu đồng/ xe tình trạng chưa sửa chữa đối với chủng loại C31 giao tại Lào Cai. loại G30 là gần 255 triệu đồng/xe. C31 qua đại tu là gần 810 triệu đồng/xe, G30 là hơn 710 triệu đồng/xe; toa xe đã thay bánh xe, hộp trục với loại C31 là gần 604 triệu đồng/xe và G30 là hơn 540 triệu đồng/xe.
Văn bản số 399 có bút phê của ông Trần Ngọc Thành.
Rõ ràng, việc mua toa xe cũ của Tổng Công ty ĐSVN đã có chủ trương từ rất lâu. Đến thời điểm lộ diện, gần như “dự án” chỉ còn mỗi “tiền trao cháo múc”. Song, vấn đề ở đây, ai đã khiến cho Tổng Công ty ĐSVN biết sai vẫn vi phạm lại chưa được đề cập minh bạch, rõ ràng? Việc xử lý một vài cán bộ theo kiểu “thí tốt” có vội vàng và chưa thấu đáo, thuyết phục hay không? … cho đến hôm nay vẫn là những câu hỏi chính đáng từ dư luận còn bị bỏ ngỏ.
Đừng “giơ cao đánh khẽ”
Cần nhắc lại rằng, ngay sau khi vụ việc nghiêm trọng này bị dư luận và công luận phát giác hồi cuối năm 2015, ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Văn bản số 1484/BGTVT-TCCB kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội; Chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cách chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hiệp. Làm rõ trách nhiệm của những thành viên liên quan… Và ngay tại thời điểm đó, việc xử lý này được đánh giá là nghiêm minh, rốt ráo, kịp thời. Tuy nhiên, một mình ông Hiệp bị “trảm”, liệu đã thuyết phục?
Trong một số báo đăng gần đây, báo Đại Đoàn kết cũng đã từng đề cập phần nào đến sự băn khoăn của dư luận. Cụ thể ở đây là Chủ tịch Tổng Công ty ĐSVN, ông Trần Ngọc Thành, người từng nói không có chủ trương nhập xe cũ, mà đây chỉ là ý tưởng cấp dưới.
Ông Thành cũng từng nói với báo giới là, vào tháng 10/2014, Ban Kế hoạch – Kinh doanh của Tổng Công ty trình Chủ tịch và Tổng Giám đốc, xin ý kiến về vấn đề này.
Một ngày sau, ông Thành bút phê vào văn bản: “Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai”.
Ngoài ra, các tài liệu khác còn cho thấy cách đây gần 2 tháng, người đứng đầu Ban Giám đốc Tổng Công ty – ông Vũ Tá Tùng đã ký công văn yêu cầu Đường sắt Hà Nội cùng đơn vị thành viên khác “chủ động làm việc với các cơ quan chức năng” về điều kiện nhập khẩu. Chỉ đạo này cũng không yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lên Chủ tịch hay Tổng Giám đốc mà phải qua các ban chức năng ở dưới. Tức là, “chủ trương” này đã xuyên suốt, thông suốt và đang được rốt ráo triển khai thì bị dư luận và công luận phát giác, chặn lại vì quá nhiều điều bất minh, bất bình thường.
Trong một bản thông cáo báo chí phát đi ngày hôm qua, 26/2, Bộ GTVT cho hay: Để thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, Bộ GTVT sẽ thực hiện các quy trình thủ tục xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN trong việc chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư chưa đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty và các cán bộ có liên quan theo đúng chỉ đạo của GTVT tại Công văn số 1484/BGTVT-TCCB ngày 3/2/2016, trước ngày 15/3/2016.
Dư luận đang chờ đợi việc thực hiện nghiêm túc điều nêu trên từ phía Bộ GTVT.
Rao bán ụ nổi 83M
Bộ GTVT cho biết: Dự kiến trong quý II/2016, ụ nổi tai tiếng 83M của Vinalines sẽ được đưa ra bán đấu giá, với giá khởi điểm là 34,85 tỷ đồng. Ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965, không còn hoạt động được đã từng được Vinalines mua với giá 9 triệu USD.
Hiện đấu giá nguyên trạng là phương án xử lý ụ nổi 83M được lãnh đạo Vinalines xác định là “bất đắc dĩ” nhằm thu hồi đồng nào hay đồng ấy cho đống tài sản có giá trị sổ sách tính đến ngày 31-12-2015 lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Được biết ụ nổi 83M đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B (tỉnh Đồng Nai) từ 7 năm nay, trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị Đăng kiểm rút cấp từ tháng 1-2011, bảo hiểm hết hạn từ tháng 6-2012. Tính đến ngày 31-12-2015, công nợ phát sinh có liên quan đến ụ nổi 83M đã lên tới hơn 50 tỷ đồng.Thúy Hằng