Ưu tư chuyện học trái ngành

Thu Hương 27/02/2016 15:25

Nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH) không làm việc đúng chuyên ngành mình đã được đào tạo bài bản suốt 4, 5 năm học. Việc chọn sai ngành học liệu có phải là ngõ cụt khép lại cánh cửa vào đời?

Ảnh minh họa.

Học đại học theo cảm hứng

“Hết 3 năm THPT, thành tích học tập của tôi khá tốt nhưng lại không biết sẽ phải đăng ký ngành học nào ở ĐH. Tôi không nhận thấy mình thực sự đam mê công việc hay có tố chất nổi trội ở lĩnh vực nào. Tôi cũng không có ý định nối nghiệp bố mẹ… Suy nghĩ mãi, tôi quyết định đăng ký 2 trường là Học viện Ngoại giao và ĐH Công đoàn ở 2 khối thi A và D. Tôi đỗ cả 2 nên quyết định theo học Học viện Ngoại giao vì trường này có vẻ nổi tiếng hơn. Kết quả là sau 4 năm ra trường, cầm tấm bằng cử nhân trên tay tôi thực sự bối rối vì cảm thấy sự không phù hợp của bản thân với ngành kinh tế mình đã học” – Nguyễn Thùy Linh, cựu sinh viên lớp KT37B, Học viện Ngoại giao kể.

Chứng kiến nhiều người bạn xung quanh làm marketing hoặc thử sức bán hàng đúng chuyên ngành đã được học nhưng Linh không hề cảm thấy hứng thú. Cô tạm thời xin làm một công việc hành chính, thời gian rảnh nhiều để có thể nhận thêm việc dịch bài cho một số tạp chí, trung tâm dịch thuật và dạy thêm tiếng Anh. Tổng thu nhập của Linh được khoảng 8 triệu/ tháng, đủ để cô trang trải cuộc sống và thỉnh thoảng đi du lịch trong nước.

Quan điểm của Linh là làm trái ngành hay đúng ngành hiện nay là bình thường, cô không quá quan trọng chuyện đó. Hiện cô vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một công việc mình thực sự đam mê và phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Những kiến thức học trong trường đại học tuy bây giờ chưa được sử dụng nhưng có thể một ngày nào đấy sẽ phát huy tác dụng…

Trái ngành còn hơn thất nghiệp

Đây là nỗi lòng của T.T. Linh, cựu sinh viên K49 Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau khi ra trường, Linh nộp hồ sơ xin việc ở một số cơ quan báo chí nhưng đều thất bại. Cô xin làm nhân viên truyền thông ở một công ty bán máy tính, sau đó là làm biên tập cho một trang web chuyên về bất động sản, nhân viên kinh doanh kiêm viết bài cho một công ty chuyên về thiết bị nhà bếp…

8 năm kể từ khi ra trường, tính sơ qua những nơi cô đã từng nhảy việc lớn nhỏ cũng đến gần cả chục công ty, chưa kể một số nghề tay trái như bán quần áo online, kinh doanh nông sản sạch, hàng xách tay…

Linh bảo thực ra cô cũng rất muốn được làm đúng chuyên ngành mình đã được đào tạo, học hành bài bản nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền không chờ một ai.

“Ra trường rồi, không thể vẫn bắt mẹ còng lưng làm ruộng nuôi con mãi nên trong khi chưa tìm được việc như mong muốn thì vẫn phải làm tạm việc gì đó. Điều an ủi là ít ra mình vẫn có cơ hội được chọn việc để làm chứ chưa đến mức phải đi làm… xe ôm” – Linh ngậm ngùi.

Linh cũng kể thêm trong số những người bạn học cùng lớp ĐH với mình, chỉ một số là đi làm báo hoặc làm công việc liên quan đến báo chí còn phần nhiều là chuyển sang các lĩnh vực khác như kinh doanh buôn bán, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, về quê mở trang trại nuôi gà… Trong số đó, có những người kế nghiệp gia đình như N.Q.Dân giờ đã là ông chủ của một xưởng gỗ lớn ở Bắc Ninh. Nhắc đến tấm bằng ĐH ngày nào, Dân bảo đó là một kỷ niệm đẹp của những năm tháng đi học…

“Tôi nghĩ rằng vấn đề bạn chọn ngành nào ở đại học cũng rất quan trọng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều quan trọng là dù học ngành nào, ra trường làm công việc gì cũng hãy dồn hết tâm trí, sức lực của mình để làm tốt nhất có thể thì kết quả đều sẽ là quả ngọt” – Nguyễn Phương Thanh, cựu sinh viên lớp K36N1, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội tâm sự.

Trước câu hỏi, những khó khăn nào cho cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ làm trái ngành đã được đào tạo, ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh của Bộ GD&ĐT) trong một chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Marie Curie (TP.HCM) cho rằng, hiện các trường ĐH, CĐ trên cả nước đào tạo hàng trăm ngành khác nhau phục vụ cho thị trường lao động rất đa dạng. Với một ngành học, người học có thể làm được nhiều mảng công việc khác nhau. Do vậy việc học ngành này ra phục vụ vị trí công việc khác cũng không phải hiếm. Chẳng hạn, sinh viên học điện tử ra trường vẫn vận dụng được chuyên môn bán hàng cho siêu thị điện máy. Điều quan trọng là mỗi người cần biết dựa vào các khả năng, thế mạnh riêng của bản thân để tìm hiểu, tìm kiếm lĩnh vực việc làm phù hợp.

Thu Hương