Xét tuyển Đại học bằng học bạ: Trường ngoài công lập lo khó sống
Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016, Bộ GD&ĐT bổ sung quy định, các trường được sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập Trung học phổ thông (THPT). Đồng thời sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường đại học (ĐH), xây dựng phương án xét tuyển. Với các điểm mới này, lãnh đạo nhiều trường đại học ngoài cộng lập cho rằng, càng “làm khó” họ hơn trong công tác tuyển sinh.
Ảnh minh họa.
Trường nhóm dưới-những dự báo cạn nguồn
Đến thời điểm hiện nay đã có nhiều trường ĐH công bố kế hoạch tuyển sinh 2016. Theo đó, đáng lưu ý, có những trường ĐH công lập cũng thông báo sẽ dành nhiều chỉ tiêu cho việc xét tuyển bằng học bạ. Ví dụ, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết sẽ tuyển sinh ĐH, CĐ tại hai cơ sở đào tạo với ba phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển các ngành học căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia; Xét tuyển học bạ vào một số ngành; Tổ chức thi, xét tuyển đối với môn năng khiếu thuộc khối V, H. Trường xét tuyển học bạ vào một số ngành không vượt quá 40% chỉ tiêu.
Trường ĐH Hàng hải cũng thực hiện đồng thời 2 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 (tất cả các ngành/chuyên ngành) và xét tuyển theo kết quả học tập, rèn luyện 3 năm THPT (với 20% chỉ tiêu các chuyên ngành khối đi biển gồm: D101, D102, C101, C102, C103)…
Nhìn vào kế hoạch tuyển sinh của các trường, không ít lãnh đạo trường ngoài công lập đã phải lắc đầu ngán ngẩm, lo lắng cho “số mệnh” của trường mình.
Tỏ rõ sự lo lắng khi nhắc lại mùa tuyển sinh năm trước, cũng như lên kế hoạch cho mùa tuyển sinh 2016, GS Đặng Ứng Vận – Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình chia sẻ: Trong mùa tuyển sinh năm 2015, nhà trường đã phải thực hiện xét tuyển đến đợt 4 mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm 2016 nhiều trường ĐH công lập cũng xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, thì những trường tốp dưới và trường ngoài công lập sẽ gặp khó khăn ở khâu tuyển sinh hơn nhiều so với năm ngoái.
Ông Vận cũng lo rằng, mùa tuyển sinh năm nay sẽ lại rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển như năm 2015. Bởi vì theo ông Vận, năm ngoái đã cạn nguồn tuyển rồi. Năm nay thêm các trường ĐH công lập cũng xét tuyển bằng học bạ, trường tư sẽ vô cùng khó tuyển đủ thí sinh. Nếu cứ vài năm không tuyển đủ thì lấy đâu ra kinh phí để chi trả cho mấy trăm cán bộ, nhân viên. Rồi tự khắc sẽ có nhiều trường phải đóng cửa…
Cùng quan điểm, TS Vũ Phán – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông quả quyết, nguồn tuyển sinh bằng học bạ sẽ không còn nhiều. Bởi vì những em tốt nghiệp từ năm 2010 cho đến 2014 vào hết đợt tuyển sinh năm ngoái. Những em tốt nghiệp 2015 chưa vào được thì năm nay vào. Hoặc các thí sinh năm vừa rồi thi không được thì năm nay có thể nó tuyển theo học bạ.
GS Vũ Văn Hóa- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng khẳng định: Việc để cho cả trường công lẫn trường tư xét tuyển bằng học bạ rõ ràng rất bất lợi cho các trường ngoài công lập. Bởi lẽ quy định các trường công được xét học bạ thì mức điểm tối thiểu cũng phải 18 điểm trở lên, như vậy những trường này sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các trường ngoài công lập.
Nỗi lo chất lượng nguồn nhân lực
Mặc dù còn đó những lo lắng cho một mùa tuyển sinh cận kề, với những cạnh tranh giữa tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Nhưng nhắc đến việc cả trường ĐH công lập cũng tuyển sinh bằng học bạ, nhiều lãnh đạo trường ĐH ngoài công lập cho rằng: Cái lo lắng nhất là đầu ra của nguồn nhân lực chất lượng.
GS Đặng Ứng Vận nói: Tôi không lo cho sự cạnh tranh mà tôi lo cho nhân lực chất lượng cao. Năm ngoái khoảng 20 trường tốp trên tuyển được đến điểm chuẩn là 20, nhưng để cạnh tranh với quốc tế thì 20 không đủ, mà phải như ĐH Y lấy được 27 – 28 điểm. Tôi thấy đây là một mô hình các trường công nên học tập. Tuy nhu cầu rất lớn, nhà nước cho trường tư đào tạo Y, nhưng bản thân trường Y bao giờ cũng giữ quy mô ổn định.
Các trường tốp trên này nếu cũng đại chúng hóa thì sẽ không làm được nhiệm vụ cạnh tranh với quốc tế. Chỉ trong trường hợp đó mới giải được bài toán tuyển sinh hiện nay. Đã là trường xuất sắc thì không thể hạ điểm chuẩn theo kiểu đợt 1 tuyển không xong thì đợt 2 hạ xuống. Như vậy thì những trường công đó cũng lấy tới sàn thôi, tình hình sẽ chẳng cải thiện được là bao.
“Anh đã là trường xuất sắc thì phải lấy điểm cao. Nếu lấy sinh viên đầu vào thấp, vậy thì lấy đâu sinh viên giỏi để cạnh tranh quốc tế? Cũng có nghĩa, chỉ tiêu những khối đó nhà nước phải quan tâm”.
Nhiều lãnh đạo các trường khác cũng đồng tình, và cho rằng: Nếu tất cả các trường cùng xét tuyển bằng học bạ thì chất lượng khó mà đảm bảo. TS Vũ Phán cho biết, đang rất lo lắng khi năm ngoái lượng thí sinh tuyển dủ của nhà trường đa phần là xét bằng học bạ. Qua một học kỳ, lác đác đã có những sinh viên nghỉ học hoặc chuyển trường. Điều mà ông “đau đầu” nhất hiện nay, là con số sinh viên còn lại đến lúc ra trường là bao nhiêu, và làm sao đảm bảo chuẩn đầu ra cho tất cả các em?
Với ĐH Hòa Bình, GS Đặng Ứng Vận cũng chia sẻ thực tế: “Lượng thí sinh tuyển từ kết quả học THPT năm ngoái, qua học kỳ một cho thấy đa phần các em xét bằng kết quả học tập THPT học yếu hơn những sinh viên khác.”
Nếu các trường cùng xét tuyển bằng học bạ thì chất lượng khó đảm bảo.
Rạch ròi ranh giới tuyển sinh
Để đưa ra hướng giải quyết cho các trường tư, GS Vũ Văn Hóa cho rằng, cần phải có ngưỡng điểm sàn chứ không thể không có được. Nghĩa là trong Quy chế tuyển sinh nên quy định rõ có nhiều mức điểm sàn. Ví dụ như mức trung bình là 15 điểm. Trường nào là trường tốp trên thì bản thân Bộ phải xác định để có mức điểm sàn khác. Chẳng hạn, những trường đã có thương hiệu của công lập như HV tài chính, HV ngân hàng, KTQD, ĐHQG thì ở mức điểm sàn khác. Còn các trường khác ở mức điểm sàn khác. Có thể quy định tới 3 mức điểm sàn… Như vậy tôi nghĩ hợp lý hơn, đồng thời cũng sẽ giảm bớt đi số thí sinh ảo, dựa theo quy định tốp trên, tốp dưới. Hơn nữa, cũng sẽ giúp các em định lượng được sức mình. Nếu điểm kết quả ở mức vừa phải thì không nên quá với lên các trường tốp trên làm cho con số ảo nhiều hơn và chạy lung tung, mất thời gian.
Còn về việc cạnh tranh giữa các trường, ông Hóa cho rằng: “Thị trường đào tạo cũng là một thị trường riêng, cho nên việc thí sinh có thể vào trường này hay trường kia sẽ tạo điều kiện cho các trường cải cách tốt hơn. Trường nào kém quá thì giải thể, trường nào tốt thì phát triển lên”...
Vẫn giữ quan điểm cần có sự rạch ròi giữa ĐH tinh hoa và đại chúng, GS Đặng Ứng Vận góp ý với Bộ rằng, phải duy trì tư duy tinh hoa các trường tốp trên, nếu đầu vào thấp thì làm gì còn trường tinh hoa nữa. Thậm chí với mỗi tầng phải có điểm chuẩn riêng. Hoặc các trường tốp trên tuyển khoảng bao nhiêu phần trăm vì điểm sàn gắn với điểm thi. Kinh nghiệm các nước chỉ lấy 25% từ trên xuống thôi.