Hồn Việt nơi đất khách
Ông bà ta có câu “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Thấm nhuần truyền thống quý báu đó, con Lạc cháu Hồng ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này nhưng cứ đến những ngày đầu năm mới họ lại dành ra những khoảng thời gian quý báu của mình để đi lễ Phật, viếng cảnh chùa cầu bình an cho bản thân, gia đình và đất nước.
Chùa Tam Bảo Sơn ở Quebec, Canada.
Cầu an, cầu đất mẹ thịnh vượng
Với những người con xa xứ, không có điều kiện trở về quê nhà trong dịp Tết đoàn viên họ đã có cách rất riêng để giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Lễ chùa cầu bình an tại những ngôi chùa Việt được dầy công xây dựng trên đất khách là nét riêng có của cộng đồng người Việt. Điều đáng nói là lễ chùa, vãn cảnh chùa đầu năm không chỉ dành riêng cho thế hệ cha ông, ngay cả những bạn trẻ không được sinh ra tại Việt Nam họ cũng đến chùa.
Bạn Nguyễn Phan Bảo Thụy, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp - Chủ tịch Hội Sinh viên Rennes cho biết: Thành phố Rennes có trung tâm văn hóa Phật giáo được nhà nước Pháp tài trợ và xây dựng cho cộng đồng phật tử và những người mến mộ đạo Phật. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi giao lưu văn hóa của các Hội người Việt, Lào, Nhật, Hàn. Thành phố còn có trung tâm dạy ngôn ngữ và ẩm thực Việt Nam cho bạn bè Pháp, các thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba tại đây.
Các buổi lễ chùa đầu xuân vì thế trở thành dịp để các bạn du học sinh mở rộng giao lưu với các anh chị Việt Kiều, bạn bè nước ngoài theo đạo Phật và thắp nén hương tưởng nhớ về ông bà, về quê hương.
Chính vì vậy, đã từ nhiều năm nay, Hội Sinh viên tổ chức cho các bạn theo đạo Phật đi chùa đầu năm. Lễ chùa không chỉ nhằm đáp ứng nguyện vọng của các bạn, vượt lên trên yếu tố tâm linh, đó còn là dịp nguyện cầu cho bản thân, gia đình và xã hội luôn bình an, hạnh phúc, tất cả mọi người có một năm mới thật thành công. Chính những hành động bình dị này đã góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người.
Bạn Vũ Trung Kiên, đang học tại INSA Rennes chia sẻ: “Dù không được trở về Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, nhưng đầu năm mới được chính tay mình thắp nén hương lên bàn thờ Phật là một điều gì đó thật thiêng liêng, ấm áp. Hơn nữa đi lễ chùa được gặp bạn bè Việt Nam, được nghe tiếng Việt Nam như đang được sống trong tình yêu thương của anh em họ hàng hồi còn ở Việt Nam.”
Còn Trần Tùng Sơn một người con đất Việt được sinh ra tại Pháp cho biết: “Đi chùa đầu năm như là một truyền thống của gia đình tôi, đó là một việc không thể thiếu trong 3 ngày Tết. Mình sẽ sống và làm việc theo lời dạy của đức Phật. Yêu thương, sẻ chia bỏ tham sân si... Mong sao thế giới hòa bình, ai ai cũng sống chan hòa, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”.
Tại Australia, Jenny Nguyễn, du học sinh Việt cho biết, năm nay là năm thứ 2 bạn đón Tết xa nhà. “Những ngày gần Tết Nguyên đán, Jenny cảm thấy rất nhớ nhà. Nhưng do còn một số việc chưa được giải quyết, nên năm nay cô không thể về đoàn tụ cùng gia đình”. Jenny cho hay, đêm giao thừa, cô cùng bạn và anh trai tới ngôi chùa Phước Huệ của người Việt tại St Johns Park, khu ngoại ô của thành phố Sydney. Khi đến đây, du học sinh cảm nhận rõ không khí Tết của cộng đồng người Việt sống xa quê hương và đã vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cô nói rằng, cô đến chùa để cầu bình an, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn cho bản thân, gia đình bạn bè và những người xung quanh.
Hồn dân tộc trong những ngôi chùa
Từ nhiều đời nay, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo truyền thống của người Việt. Dù sống ở đâu, hình ảnh một ngôi chùa thân thương luôn gợi nhắc người Việt hướng về cội nguồn. Bởi vậy mà ở hầu hết các quốc gia khác nhau trên thế giới, hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ tâm linh của những người con xa xứ.
Phần lớn chùa Việt Nam ở nước ngoài là những ngôi chùa nhỏ, nhiều chùa có kiến trúc hiện đại. Nhưng cũng có cả những quần thể chùa chiền đồ sộ mang phong cách kiến trúc truyền thống rất đặc thù của người Việt. Những ngôi chùa này không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của kiều bào mà còn là danh lam thắng cảnh của nước sở tại.
Những ngôi chùa linh thiêng được người Việt và bạn bè thế giới biết nhiều đó là chùa Đại tòng lâm Tam Bảo Sơn (thường gọi là chùa Tam Bảo Sơn) tại thị trấn Harrington, tỉnh Quebéc, Canada; Chùa Trúc Lâm tại Kharkov, Ukraina; Việt Nam Phật Quốc Tự tại Ấn Độ hay một ngôi chùa nằm ở vùng Fréjus, tỉnh Alpes-Côte d’Azur của Pháp- chùa Hồng Hiên được dựng lên từ năm 1917 làm nơi thờ Phật cho một số binh sĩ gốc Việt bị đưa sang Pháp bổ sung cho lính Pháp ở chính quốc thời Chiến tranh thế giới I... đã và đang là địa chỉ văn hóa tâm linh của nhiều người Việt...
Ông Đồ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Nga cho biết, cộng đồng người Việt ở Nga nói riêng, cộng đồng người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới nói chung đều có những cách rất riêng để “giữ hồn dân tộc” trong những nếp nhà của người Việt. Tết những đứa con xa không có dịp trở về không chỉ tụ hội quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, hàn huyên tâm sự rồi sắm sửa cành đào, cây mai, thì có một phong tục rất đẹp của người Việt đó là đi lễ chùa đầu năm.
Không ai bảo ai, thường thì các gia đình người Việt sau khi cúng giao thừa họ sẽ đến các ngôi chùa để cầu bình an, phước lộc cho gia đình, người thân. Có thể nói, những ngôi chùa ở nơi xứ xa cũng là một trong những điểm tựa tinh thần giúp con Lạc cháu Hồng trụ vững nơi xứ người, ông Đỗ Xuân Hoàng nhắn nhủ.